Thử thách thiết kế cánh tay robot của NASA với giải thưởng lên tới 5.000 USD

Thử thách sáng tạo với cánh tay robot Astrobee của NASA hứa hẹn sẽ đem tới cơ hội thể hiện tài năng lập trình và thiết kế của mọi công dân trên thế giới.

Chuyên trang Freelancer.com và NASA đã hợp tác công bố thử thách thiết kế cánh tay robot Astrobee, một mẫu robot được tạo ra nhằm mục đích bay cùng phi hành gia ở ngoài trạm vũ trụ ISS.

Astrobee sở hữu kích thước khá nhỏ gọn, được thiết kế nhằm giúp các nhà khoa học và kỹ sư có thể thử nghiệm công nghệ trong môi trường không trọng lực.

Tuy nhiên để tìm ra một giải pháp thiết kế hoàn hảo nhất, NASA và Freelancer đã khởi động sáng kiến có tên NASA Robotic Arm Challenges. Sáng kiến này gồm tổng cộng 14 cuộc thi với giải thưởng dao động từ 250-5000 USD, tổng giá trị lên tới gần 25.000 USD.


Cấu tạo mô phỏng của Astrobee. (Ảnh NASA).

Chủ đề của sáng kiến là mẫu robot Astrobee, hiện đang được các nhà khoa học thuộc chương trình NASA Game Changing Development Program phát triển và hứa hẹn sẽ phóng lên ISS vào năm 2019.

Các ứng viên tham gia sẽ phải thiết kế hình dáng cho cánh tay robot, lập trình tính năng, vật liệu và cơ chế vận hành cho robot.

Astrobee là một trong những thành tựu mới nhất được phát triển thuộc nghiên cứu SPHERES của NASA. Nghiên cứu này bao gồm 3 vệ tinh bay tự do trên ISS. Những vệ tinh này đã bay trên trạm ISS từ năm 2006 tới nay và trải qua hơn 600 giờ thực nghiệm.

Astrobee sẽ thay đổi quan điểm về robot, khi nó thực sự có thể hỗ trợ các phi hành gia hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm phân tích chất lượng không khí và xác định vị trí các công cụ trên tàu. Astrobee cũng có cả chế độ tự động, cho phép tự thực hiện các hành trình nguy hiểm, vượt ngoài phạm vi của ISS.

Đối với phi hành gia, Astrobee có thể coi là một bước đi quan trọng trong việc tiết kiệm thời gian nghiên cứu ngoài vũ trụ. Các giải pháp chiến thắng có thể được cân nhắc tích hợp vào thiết kế cánh tay robot Astrobee trong nhiều năm tới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất