Thực hư loại bánh Trung thu “ăn vào mà không sợ béo”

Còn hơn nửa tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng vào thời điểm này, thị trường bánh Trung thu đã khá sôi động cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống cửa hàng.

Bên cạnh những dòng bánh truyền thống, dòng sản phẩm "healthy" (tạm dịch: Tốt cho sức khỏe), loại bánh được quảng cáo là "không đường, ăn vào mà không sợ béo" đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người. 


Nhiều loại bánh Trung thu được quảng cáo là bánh “healthy” được bán với giá khoảng 100.000 đồng/chiếc.

Vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay của dòng sản phẩm này là liệu có thực sự tốt như quảng cáo? Việc thay thế các nguyên liệu trong công thức làm bánh như: Bột mì thay bằng bột mì nguyên cám, nước đường thay bằng mật ong, dầu ăn thay bằng dầu olive... không chỉ làm thay đổi hương vị truyền thống của bánh Trung thu mà còn là hạn sử dụng của những nguyên liệu này thường ngắn, nếu muốn kéo dài hạn sử dụng thì phải cho chất bảo quản.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), mỗi chiếc bánh Trung thu nhỏ chứa khoảng 700 - 1.000 calo. Hàm lượng này sẽ lớn hơn với những chiếc bánh có khối lượng lớn. Nguyên nhân bởi vỏ bánh Trung thu chủ yếu được làm từ bột mỳ trắng và đường.

Một chiếc bánh nặng khoảng 170g với 100g vỏ bánh (1g tinh bột có thể tạo ra 4 calo). Như vậy, trung bình một chiếc bánh Trung thu có trọng lượng 100g vỏ bánh (chưa tính nhân) đã có thể cung cấp 400 - 500 calo. Các loại nhân thường khá đa dạng, có thể mang đến hàm lượng calo ngang với vỏ bánh. 

Đối với dòng bánh Trung thu "healthy", một chiếc bánh có trọng lượng 150g được quảng cáo là có thể chứa 200-400 calo, tùy vào nguyên liệu làm bánh. Số calo này thấp hơn bánh truyền thống. Tuy nhiên, kết quả từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia lại cho con số khác so với thông tin được quảng cáo.

Chia sẻ về thực hư loại bánh Trung thu "ăn vào mà không sợ béo", huấn luyện viên Dương Văn Thắng (Trung tâm rèn luyện thể chất HD Kickfit, Hà Nội) nhấn mạnh: "Nếu ăn dư thừa hơn nhu cầu của cơ thể thì kể cả bánh ít calo vẫn khiến cơ thể tăng cân. Chúng ta không thể kết luận việc tốt hay không tốt của một cái bánh chỉ dựa trên thành phần. 

Về cơ bản, các loại bánh Trung thu "healthy" được tung ra thị trường, thành phần cũng từ tinh bột, các loại hạt, mật ong, đường ăn kiêng. Tất cả đều có hàm lượng calo không thấp hơn so với các nguyên liệu truyền thống là bao nhiêu". 

Huấn luyện viên này cũng cho rằng, hầu hết các tài liệu dinh dưỡng đều đưa ra lời khuyên là ăn vừa đủ, ăn ít, không nên ăn quá nhiều, có nghĩa là lời khuyên về liều lượng, định lượng, số lượng thực phẩm mà ta nạp vào cơ thể chứ không phải là loại thực phẩm nào nên hay không nên ăn. 

"Người tiêu dùng nên tiếp cận thông tin, sử dụng sản phẩm một cách thông minh, không nên chạy theo trào lưu mà vô tình lại biến mình trở thành nạn nhân".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất