Thực hư mối đe dọa của sứa

Chưa có dữ liệu hoặc kết quả phân tích nào ủng hộ giả thuyết sứa đang trên đường thống trị thế giới.

Loài nhuyễn thể tưởng chừng như vô hại đang trôi vô định đây đó trên các đại dương đã trở thành một trong những chủ đề bí ẩn nhất trong thời hiện đại. Sau đây là lời đồn phổ biến nhất hiện nay về chúng: trên khắp thế giới ngày càng có nhiều đợt bùng nổ dân số sứa, do con người vơ vét cá quá mức tại các đại dương, tình trạng thay đổi khí hậu, ô nhiễm và những hành động can thiệp thô bạo khác của con người vào môi trường.

Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, viễn cảnh sứa đang tiến tới thống trị thế giới vẫn chỉ là một lời đồn đại không hơn không kém. Lý do là chưa có dữ liệu nào được ghi nhận về sự xâm lăng của sinh vật này, theo một nhóm khoa học gia đã bỏ công nghiên cứu sự đa dạng của sứa trên phạm vi toàn cầu. Báo cáo trên chuyên san BioScience cho thấy trong vòng 2 thập niên qua, các bản tin đề cập đến sứa đã tăng hơn 500%, vượt hơn hẳn các báo cáo khoa học về sự sinh sôi của sứa. Đó là chưa kể đa phần các tít tựa đều gây hoang mang sợ hãi, theo chuyên gia Rob Condon thuộc Phòng Thí nghiệm hải dương của đảo Dauphin tại Alabama (Mỹ).


Một loài sứa khổng lồ ở biển Nhật Bản

Ông Condon là thành viên của tổ chức Sứa toàn cầu, một nhóm gồm khoảng 30 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới. Thông điệp của họ là chẳng cần phải hoang mang gì cả, vì không có chứng cứ cho thấy sứa gây nguy hiểm cho ai. Tuy nhiên, thông tin mà nhóm này cung cấp cũng không đưa ra một bức tranh tổng thể một cách rõ ràng. Trên thực tế, có những nơi sứa sinh sôi một cách đông đúc, như vùng biển gần Nhật Bản. Tại các nơi khác, giống như ngoài khơi tiểu bang California (Mỹ), số lượng sứa lại giảm. Còn tại biển Bering, chúng hết trồi rồi lại sụt, theo chuyên gia Condon.

Các nhà khoa học không chỉ có hiểu biết vô cùng giới hạn đối với cơ chế sinh học ở loài sứa, mà họ cũng chẳng có được dữ liệu dài hạn về loài sinh vật bí ẩn đó. Để giải quyết vấn đề thứ 2, nhóm chuyên gia về sứa đã thu thập kho dữ liệu toàn cầu với tên gọi Sáng kiến dữ liệu sứa (JEDI), chứa dữ liệu từ nhiều nguồn có liên quan đến sự hiện diện của loài sứa, có nguồn từ năm 1790.

Bất cứ ai cũng có thể cập nhật thông tin liên quan lên website tên Jellywatch.org - tổ chức do các chuyên gia trên giám sát. Theo ông Condon, tổ chức Sứa toàn cầu hiện thu thập đủ thông tin để bắt đầu thực hiện việc phân tích. Và hy vọng trong tương lai không xa, dư luận sẽ biết được chính xác liệu sứa có đang đe dọa các đại dương hay không.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất