Thực vật lên núi tránh tác động hiện tượng nóng lên toàn cầu
Các loài thực vật đã phải lên núi để bảo vệ mình khỏi những tác động của sự nóng lên toàn cầu. Nhận định trên được các chuyên gia thực vật học của Đại học Quốc gia Moskva và Đại học Karachay-Cherkessia ở Bắc Kavkaz (Nga) hợp tác với các đồng nghiệp Hà Lan nghiên cứu và chứng minh.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã quan sát sự tiến hóa của hệ thực vật trong bốn quần xã thực vật vùng núi trong khu bảo tồn Teberdinsky ở Tây Bắc Kavkaz trong gần 30 năm, đồng thời tiến hành đo đạc khối lượng chồi cây, diện tích và độ dày của lá, cùng một số thông số khác cho hơn 50 loài thực vật núi cao hàng năm.
Ảnh: ragjr.com
Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù trong vòng hơn 25 năm qua, nhiệt độ khu vực chỉ tăng trung bình 0,6 độ C, còn vào mùa Hè - mùa tăng trưởng và phát triển của thực vật thì nhiệt độ cũng chỉ tăng 2 độ C nhưng các loài thực vật đã "phản ứng khá mạnh" với sự thay đổi này.
Theo đó, tỷ lệ các loài thực vật mọc ở núi cao tăng lên đáng kể, mặc dù điều kiện phát triển tối ưu cho chúng là ở vùng thấp hơn 100m. Thêm vào đó, độ dày phiến lá của nhiều loài thực vật núi cao cũng tăng theo cùng với sự gia tăng nhiệt độ.
Mặt khác, nhiều loài thực vật núi cao có khả năng nhân giống bằng phương pháp vô tính qua các chồi ở trên và dưới mặt đất. Tuy nhiên, khi nhiệt độ tăng, cơ hội hình thành hạt cũng tăng theo, do đó, thảo mộc và hoa của các cộng đồng thực vật núi cao đã thực sự bắt đầu cho nhiều hạt hơn các năm trước.
Ngoài ra, các chuyên gia địa thực vật học của Đại học Quốc gia Moskva đã nghiên cứu sự tiến hóa của hệ thực vật ở vùng lãnh nguyên từ hai năm trước và nhận ra những chuyển đổi quan trọng - lãnh nguyên đang chuyển sang xanh dần và sự đa dạng về loài cũng tăng.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Nga đóng góp thêm một bằng chứng nữa cho thấy sự nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến thành phần và cấu trúc của quần thể thực vật trên thế giới.