Thước phim hiếm về bút biển ở độ sâu 3.000 m

Phương tiện vận hành từ xa (ROV) ghi hình bút biển - sinh vật kỳ lạ với thân dài 2 m và các xúc tu dài hơn 40 cm.

Nhóm chuyên gia trên tàu nghiên cứu Nautilus của tổ chức phi lợi nhuận Ocean Exploration Trust sử dụng phương tiện vận hành từ xa (ROV) để quan sát một khu vực núi ngầm chưa được khám phá gần đảo san hô Johnston, hòn đảo xa xôi ở phía tây Hawaii.

Trong chuyến nghiên cứu, ROV bất ngờ ghi hình được một sinh vật nhiều khả năng là bút biển Solumbellula monocephalus ở độ sâu 2.994 m, thậm chí quay cận cảnh các xúc tu bắt mồi của nó. Đây là lần đầu tiên loài động vật này được phát hiện ở Thái Bình Dương. Nhóm chuyên gia công bố video về sinh vật kỳ lạ hôm 14/7.

Bút biển Solumbellula monocephalus thường được tìm thấy ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Tàu Nautilus đã bắt gặp chúng hai lần trong quá trình nghiên cứu dưới biển. Bút biển thuộc ngành Sứa lông châm (Cnidaria) hay còn gọi là Thích ty bào - nhóm động vật sống dưới nước bao gồm san hô, sứa và nhiều sinh vật khác.

Bút biển gần đảo san hô Johnston có thân dài 2 m với các xúc tu dài hơn 40 cm. "Việc phân tích thêm thước phim và mẫu vật này sẽ giúp các chuyên gia xác định xem đây là bút biển Solumbellula monocephalus đầu tiên ở Thái Bình Dương hay một loài mới trong vùng biển này", nhóm nghiên cứu trên tàu Nautilus cho biết.

Chuyến thám hiểm tại đảo san hô Johnston diễn ra từ ngày 20/6 - 13/7, tập trung vào nghiên cứu sự đa dạng sinh học trong vùng. Tổ chức Ocean Exploration Trust vận hành tàu Nautilus và đã phát trực tuyến nhiều chuyến lặn của ROV. "Sự mở rộng phạm vi của Solumbellula ở Thái Bình Dương nhắc nhở chúng ta rằng những chuyến khám phá đại dương quan trọng ra sao đối với việc tìm hiểu sự đa dạng của Trái Đất", nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất