Thuốc sát trùng - con dao hai lưỡi

Sử dụng thuốc sát trùng có thể khiến vi khuẩn trở nên đề kháng với thuốc kháng sinh cũng như với chính loại thuốc sát trùng đó. Nghiên cứu này có thể là một gợi ý quan trọng trong việc kiểm soát sự lan rộng của bệnh nhiễm trùng trong môi trường bệnh viện.

Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Quốc gia Ai-len tại Galway đã phát hiện ra rằng, khi họ tăng thêm lượng thuốc sát trùng để nuôi cấy vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) trong phòng thí nghiệm, vi khuẩn này có thể thích nghi để tồn tại không chỉ với thuốc sát trùng mà còn cả với ciprofloxacin, một loại thuốc kháng sinh thông dụng mà không có biểu hiện nào.

Họ chứng minh được rằng, vi khuẩn đã thích nghi để đưa những chất chống vi trùng (thuốc sát trùng và thuốc kháng sinh) ra khỏi tế bào vi khuẩn một cách hiệu quả. Những vi khuẩn thích nghi cũng có sự biến đổi DNA, cho phép chúng kháng lại ciprofloxacin, một loại thuốc kháng sinh đặc trưng.

P. Aeruginosa là một loại vi khuẩn cơ hội có thể gây ra nhiễm trùng diện rộng ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu và những bệnh nhân mắc những căn bệnh như xơ nang (CF) và tiểu đường.

P. Aeruginosa là nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh nhiễm trùng bệnh viện. Chất sát trùng được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn bề mặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của chúng. Nếu sau đó vi khuẩn vẫn có thể tồn tại và tiếp tục lây nhiễm cho các bệnh nhân, người ta sẽ dùng thuốc kháng sinh để điều trị.

Khi vi khuẩn trở nên đề kháng với cả 2 loại thuốc điều trị này thì đây sẽ là một mối đe dọa nguy hiểm cho các bệnh nhân tại bệnh viện.

Điều quan trọng là nghiên cứu này cho thấy, khi thêm một lượng nhỏ thuốc sát trùng không đủ để gây chết cho vi khuẩn được nuôi cấy, vi khuẩn thích nghi hầu như có thể tồn tại tốt hơn vi khuẩn không thích nghi.

Tiến sĩ Gerard Fleming đứng đầu nghiên cứu trên cho biết: “Về nguyên tắc, điều này có nghĩa là phần dư thừa của chất sát trùng pha loãng không đúng còn lại trên các bề mặt tại bệnh viện có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh. Đáng lo ngại hơn là dường như vi khuẩn có thể thích nghi để kháng thuốc kháng sinh mà không có bất cứ biểu hiện nào”.

Tiến sĩ Fleming cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu những nhân tố môi trường có thể thúc đẩy quá trình kháng thuốc.

“Chúng ta cần nghiên cứu ảnh hưởng của việc sử dụng nhiều loại thuốc sát khuẩn hơn nữa trong việc thúc đẩy tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Điều này trước hết sẽ làm tăng hiệu quả của việc chữa trị bằng thuốc sát khuẩn và thuốc kháng sinh, chống lại tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất