Thuốc từ nấm Himalaya diệt tế bào ung thư mạnh gấp 40 lần, ít hại hơn hóa trị
Loại chất “ma thuật” được tìm thấy trong một loại nấm ở vùng Himalaya có thể là bước đột phá mà các bệnh nhân ung thư đang chờ đợi.
Theo trang Sciencealert, một phương pháp hóa trị liệu mới được sản xuất từ hóa chất "ma thuật" đã được phát hiện là loại thuốc chống ung thư cực kỳ hiệu quả. Thuốc này được đặt tên là NUC-7738, do các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford phối hợp với công ty dược NuCana (Anh) phát triển.
NUC-7738 có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn 40 lần so với các hợp chất trước đây, và khi so sánh với các loại thuốc hóa trị liệu hiện có, nó thực hiện quá trình diệt tế bào ung thư nhưng ít gây hại cho cơ thể hơn.
NUC-7738 vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, vì vậy chúng ta vẫn chưa thể tiếp cận nó như một loại thuốc. Tuy nhiên, những thử nghiệm lâm sàng mới công bố đang cho kết quả đầy hứa hẹn với ứng cử viên thuốc này, cho thấy nó có thể cung cấp một lựa chọn liệu pháp điều trị mới cho bệnh nhân ung thư.
Nấm Cordycep mọc lên từ một con côn trùng mất cánh.
Tất cả những tính năng mạnh mẽ đó của thuốc là nhờ vào thành phần hoạt tính trong NUC-7738, có tên là Cordycepin. Cordycepin, còn được gọi là 3'-deoxyadenosine (hay 3'-dA), một chất tương tự nucleoside tự nhiên được tìm thấy lần đầu tiên ở loài nấm ký sinh Ophiocordyceps sinensis sống ở các vùng núi cao của Trung Quốc, thường được gọi là nấm sâu bướm vì nó giết chết và ướp xác ấu trùng bướm đêm.
Cordycepin vốn được sử dụng như một phương pháp điều trị bằng thảo dược trong y học cổ truyền Trung Quốc qua nhiều thế hệ. Và ngày nay, các nhà khoa học đã nhận thức được tiềm năng diệt khối u của nó sau khi phát hiện thuốc có tác dụng chống ung thư, chống ôxy hóa và kháng viêm. Những tính năng này khiến cho loài nấm Ophiocordyceps sinensis được săn lùng rất nhiều, và đó cũng là lý do nó thường được coi là loài ký sinh trùng có giá trị nhất thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những đặc tính kỳ diệu đó, Cordycepin được phân lập từ nấm Ophiocordyceps sinensis cũng có những mặt hạn chế. Chẳng hạn, nó bị phá hủy khá nhanh trong mạch máu bởi enzyme adenosine deaminase, hay ADA, chỉ sống sót được trong 1,6 phút trong huyết tương. Thêm nữa, các tế bào sẽ khó khăn để hấp thụ thuốc, và tất cả những điều này có nghĩa là hiệu quả thực sự của phân tử Cordycepin đối với các tế bào ung thư trong cơ thể bị suy yếu đi rất nhiều.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Cancer Research, để làm cho thuốc trở nên khả thi, NUC-7738 được thiết kế để cho phép Cordycepin xâm nhập độc lập vào các tế bào nhờ các chất vận chuyển nucleoside, tăng cường khả năng chống ung thư của thuốc. Hơn nữa, không giống như phân tử gốc trong tự nhiên, NUC-7738 được kích hoạt trước và có thể chống lại sự phân hủy trong máu nhờ được tích hợp khả năng bảo vệ chống lại enzyme ADA.
Những sửa đổi này làm cho các đặc tính chống ung thư của ứng cử viên thuốc NUC-7738 mạnh hơn gấp 40 lần, thể hiện qua các thử nghiệm trên nhiều dòng tế bào ung thư ở người.
Hơn nữa, các kết quả ban đầu từ thử nghiệm lâm sàng trên người đầu tiên của NUC-7738 cho đến nay cũng khả quan. Thử nghiệm Giai đoạn 1, bắt đầu vào năm 2019 và vẫn đang tiếp tục, cho đến nay đã thu hút sự tham gia của 28 bệnh nhân có khối u tiến triển kháng với phương pháp điều trị thông thường.
Trong bài báo đăng trên tạp chí Clinical Cancer Research, các nhà nghiên cứu khẳng định liều tăng dần hàng tuần của NUC-7738 cho nhóm này đã được các bệnh nhân dung nạp tốt. "Những phát hiện này cung cấp bằng chứng về khái niệm rằng NUC-7738 vượt qua cơ chế kháng ung thư hạn chế hoạt động của 3'-dA và hỗ trợ đánh giá lâm sàng hơn nữa về NUC-7738 như một phương pháp điều trị ung thư mới".
Mặc dù đây chắc chắn là một khởi đầu đầy hứa hẹn, nhưng vẫn còn một thời gian nữa trước khi NUC-7738 sẵn sàng phục vụ cho các bệnh nhân ngoài cuộc thử nghiệm.
Các nhà nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch tiến hành Giai đoạn 2 của thử nghiệm, khi tính an toàn của thuốc đã được chứng minh kỹ lưỡng hơn và khi phác đồ được khuyến nghị cho bệnh nhân Giai đoạn 2 đã được xác định.
- Hội chứng lạ khiến bàn tay tấn công chính chủ nhân của nó
- Con chim hung dữ đuổi theo "khủng bố" người đàn ông
- Tàu vũ trụ châu Âu-Nhật Bản gửi những hình ảnh đầu tiên về sao Thủy