Thủy điện kích thích động đất nhân tạo
Tích nước làm thủy điện, khai thác dầu khí, khoáng sản mức độ lớn đều có thể là những tác nhân kích thích khiến động đất.
>>> Tiếng nổ trong lòng đất có thể do dung nham núi lửa
Đây là lý giải của các chuyên gia địa chất sau sự cố động đất tại khu vực Bắc Trà My (Quảng Nam). Tại đây, một trận động đất 2,7 độ richter với chấn tiêu ở mức 3km đã xảy ra hôm 17/11 vừa qua và tiếp tục phát ra tiếng nổ lớn trong lòng đất vào ngày 23/11.
Không phải hiện tượng lạ...
Nhận định ban đầu của giới chuyên môn về chuỗi động đất nhỏ xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) trong thời gian qua là do hồ thủy điện Sông Tranh 2 mới tích nước, chưa ổn định.
Sau khi tích nước thủy điện Hòa Bình động đất lớn nhất
là năm 1989 là 3,9 độ Richter. (Ảnh đập thủy điện Hòa Bình).
Lý giải hiện tượng này, GS Cao Đình Triều, Hội Khoa học kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam hướng đến khả năng thủy điện Sông Tranh 2 đã tích nước trong hồ chứa làm cho mạch nước thẩm thấu vào đới đứt gãy. Việc tích nước này lại gặp vào đúng dịp đới đứt gãy hoạt động làm phá vỡ áp suất trong đất, đá đã kích thích hoạt động động đất xảy ra.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, đây không phải là hiện tượng lạ hay bất thường. Đơn giản như đối với công trình thủy điện và thủy lợi, các dạng hư hỏng chủ yếu đối với đập ngăn nước (đối với đập đất là nứt nẻ bề mặt hoặc trượt mái; với bê tông trọng lực là gãy trụ đỡ cầu giao thông hoặc trụ van cung; với đập là gãy vòm; với cầu máng là gãy trụ hoặc máng dẫn…). Theo GS Triều, điều này cũng lý giải cho tầm quan trọng của đập thủy điện, thủy lợi cũng như hậu quả to lớn của việc các đập ngăn nước bị vỡ.
Trước đó, động đất kích thích do xây dựng hồ chứa ở Tây bắc Việt Nam cũng được Viện Vật lý địa cầu quan sát thấy sau khi tích nước thủy điện Hòa Bình. Song động đất quan sát thấy lớn nhất là năm 1989 là 3,9 độ Richter. Ông Triều khẳng định: “Việc chặn nước có thể gây kích thích xảy ra động đất, động đất có thể xảy ra sớm hơn dự kiến song nó không nguy hiểm. Tuy nhiên cũng cần nghiên cứu nếu xảy ra cùng thời điểm hoạt động của đới đứt gãy mạnh cộng với việc chặn dòng nước sẽ nguy hiểm hơn”.
Khai thác dầu khí, nước ngầm quá mức
Không riêng gì tích nước hồ chứa làm thủy điện, các nhà địa chất cũng cảnh báo việc khai thác dầu khí, nước ngầm hay khoáng sản với mức độ lớn làm thay đổi trạng thái của vỏ trái đất gây ra động đất kích thích. Mức độ lớn ở đây được nghĩ tới như việc khai thác khoáng sản tại mỏ than Quảng Ninh hoặc các khu khai thác hút dầu lớn…
Theo dõi động đất tại Viện Vật lý địa cầu (Ảnh: Như Ý)
Hiện tượng nổ trong lòng đất, gây động đất tại Quảng Nam khiến nhiều người bày tỏ lo ngại khi tình trạng khai thác nước ngầm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhắc tới trong nhiều nghiên cứu trước đó có liên quan đến sụt lún mặt đất. Tại xảy ra nhiều nơi thuộc Hà Nội như Thành Công là 41,42mm/năm, Ngô Sỹ Liên 31,52mm/năm, Pháp Vân 22,16 mm/năm… Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Đản nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Thủy văn, Địa chất công trình cho hay, việc khai thác nước ngầm như Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh hiện nay chỉ gây ra hiện tượng sụt lún bề mặt đất chứ không gây ra tác động làm động đất. GS.TS Cao Đình Triều cũng cùng quan điểm này.
Trở lại hiện tượng động đất ở Quảng Nam, các nhà khoa học cũng cảnh báo hiện tượng tai biến nứt và trượt lở đất ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam ngày càng tăng nhanh. Vì vậy, cần tập hợp các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn vào cuộc nghiên cứu nhằm giúp người dân chủ động phòng tránh khi có bất trắc xảy ra.