“Tị nạn khí hậu”: rắc rối về pháp lý!
Liên Hiệp Quốc cho biết năm 2008, toàn thế giới có 38 triệu người di cư do thảm họa thiên nhiên.
Đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 250 triệu người. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là họ sẽ đi đâu?
Charles Ehrhart, điều phối viên về vấn đề biến đổi khí hậu thuộc Tổ chức phi chính phủ Care, nói khung pháp lý hiện không cho phép tính đến những trường hợp di dân vượt lãnh thổ quốc gia do biến đổi khí hậu gây ra.
Di cư tự nguyện hay bắt buộc?
“Đa số những di dân này vẫn phải ở trong lãnh thổ của họ và không thể xin quy chế tị nạn” - bà Sybella Wilkes, phát ngôn viên của HCR, nói rõ. Dù thỉnh thoảng có can thiệp trong trường hợp khẩn cấp khi có thảm họa môi trường, song tổ chức này vẫn bác bỏ thuật ngữ “tị nạn khí hậu” vì sợ làm rạn nứt cơ sở vốn đã mong manh của Công ước Geneva năm 1951 về người tị nạn.
Hiện định nghĩa về người tị nạn rất nghiêm ngặt nên khó có chuyện đặt thêm một định nghĩa pháp lý cho những di dân khí hậu. Trách nhiệm quan tâm đến họ nằm trong những “nguyên tắc chủ đạo” đã được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1998 nhưng lại không mang tính bắt buộc.
Vì vậy, một trong những hoạt động của OCHA là khuyến khích các quốc gia đưa những nguyên tắc này vào luật pháp của mình.
Nhưng chuyện không đơn giản thế. Ngoài những thảm họa bất ngờ, khí hậu Trái đất nóng lên đang khiến môi trường xuống cấp và điều kiện sống bị ảnh hưởng trên diện rộng. “Một trong những vấn đề quan trọng là xác định họ ra đi do tự nguyện để tìm cuộc sống tốt hơn, hay bị ép buộc vì đã mất hết những phương tiện sinh tồn” - bà Linde nhấn mạnh.
Theo ông Ehrhart, cần phải định nghĩa lại các dạng mức khác nhau, bởi cả hai trường hợp nêu trên không đủ dẫn đến quyền như nhau. Ông Koko Warner, trưởng khoa di dân môi trường thuộc Đại học Liên Hiệp Quốc - một cơ sở nghiên cứu và đào tạo trực thuộc Liên Hiệp Quốc và Unesco đặt tại Bonn (Đức) - đồng tình ý kiến này khi cho rằng định nghĩa mới sẽ giúp phối hợp tốt hơn hoạt động cứu trợ nhân đạo, các thành phần tham gia, chiến lược phòng ngừa và thích nghi, quản lý rủi ro và kể cả nguồn tài trợ.
Đằng sau yêu cầu phải có một quy chế cho người tị nạn khí hậu còn có trách nhiệm của các nước giàu trong việc hỗ trợ những nạn nhân. Các quốc gia như Maldives và Bangladesh yêu cầu phải đưa vấn đề di dân bắt buộc ra thảo luận để đạt được một hiệp ước tại hội nghị Copenhagen tháng 12 sắp tới.
Giúp thích nghi để tránh di dân
Tuy nhiên, như Philippe Chauzy - phát ngôn viên của IOM - chỉ rõ: “Nhiều quốc gia đang duy trì sự mập mờ trong quy định pháp luật để không phải tiếp nhận di dân dạng này”. Chính tổ chức này đã đề nghị một định nghĩa rất mở về những di dân môi trường. Nhưng những người chống lại quy chế này cũng lập luận: rất khó chứng minh trách nhiệm của biến đổi khí hậu. Đó là chưa kể một phần các thảm họa lại chẳng liên quan gì đến di dân.
Tuy nhiên, theo ông Warner, vấn đề là cần phải tìm ra giải pháp chứ không tìm thủ phạm. Theo ông, các nước giàu cần giúp các nước nghèo thích nghi với biến đổi khí hậu và đó là cách tốt nhất để tránh di dân khí hậu và cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.