Tia cực tím ở TP HCM lên mức cực đại
Weather Online của Anh và AccuWeather Mỹ dự báo chỉ số tia cực tím (UV) tại TP HCM từ nay đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4 lên 13 - mức "cực đại".
Nhiệt độ tại TP HCM những ngày qua 32-36 độ C. Ngoài đường phố, mức nhiệt cao hơn 3-4 độ do hiện tượng bức xạ cộng hưởng từ xe cộ, bêtông hóa.
Weather Online dự báo chỉ số UV tại thành phố những ngày tới lên 9-12 vào ban ngày; AccuWeather dự báo UV 13. Đây là hai trang thời tiết uy tín hiện nay trên thế giới.
Chỉ số tia cực tím hay chỉ số UV là phép đo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ mặt trời. Chỉ số UV càng cao, liều lượng bức xạ gây hại da và mắt càng lớn.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV 0-2 là thấp. Khi chỉ số UV 7-10, da nhanh chóng hỏng và bỏng trong 30-60 phút. UV từ 11 trở lên được coi là cực kỳ cao, nguy hiểm, nguy cơ làm da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 15 phút mà không được bảo vệ. Chỉ số 13 là mức cực đại, cực nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, giải thích bức xạ cực tím là thành phần trong ánh sáng mặt trời. Trong đó, tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương DNA tế bào da. Tia cực tím C có thể gây ung thư da, may mắn bị tầng ozone chặn lại hầu hết.
Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cơ thể càng lớn, có thể gây lão hóa da, ung thư da, khởi phát và làm nặng hơn những bệnh có liên quan đến ánh sáng như lupus ban đỏ, viêm da cơ địa. Tia cực tím làm tổn hại thị giác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm. Ảnh hưởng của tia cực tím đến da và mắt tích lũy trong suốt cuộc đời vì được cộng dồn.
Theo bác sĩ Phan Minh Đoàn, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cường độ tia cực tím có thể thay đổi vào các ngày và các mùa. Tuy nhiên, đối với sức khỏe làn da, tia cực tím có thể gây hại cho da vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Tùy mức độ tiếp xúc và cường độ của tia cực tím, da có thể có các biểu hiện tổn thương khác nhau như tiết nhiều bã nhờn gây mụn trứng cá, bỏng nắng, đỏ rát, nám da. Nghiêm trọng hơn thì có thể ung thư da hoặc nhiễm trùng da, bác sĩ Đoàn cho biết.
Người dân TP HCM trong thời tiết nắng nóng, tháng 4/2023. (Ảnh: Quỳnh Trần).
Để khỏi bị ảnh hưởng bởi tia cực tím, EPA khuyến cáo không ra đường từ 10h đến 16h hàng ngày bởi đây là thời điểm tia UV mạnh nhất. Khi ra ngoài, cần có biện pháp bảo vệ vật lý gồm mang mũ, kính râm, ô, khẩu trang, găng tay, tất, quần áo sậm màu và trú dưới bóng râm. Dùng kem chống nắng có chỉ số SPF30+, thoa lại sau mỗi hai tiếng.
Chăm sóc da trong mùa nóng, vệ sinh hằng ngày, giúp da sáng mịn, bớt xỉn màu và bớt mụn trứng cá. Sử dụng kem dưỡng ẩm để làn da phục hồi, không bị mất nước. Chọn dưỡng ẩm dạng lotion hoặc serum giúp thấm nhanh với làn da bình thường và dạng gel cho người có làn da dầu.
Da bị cháy nắng, bỏng nắng, đắp vải lanh lạnh lên vùng tổn thương và sử dụng sản phẩm làm mát dịu da. Nếu tình trạng bỏng cháy không cải thiện sau vài ngày chăm sóc, đến bác sĩ da liễu để kiểm tra.
Trẻ em cần được đặc biệt chú ý phòng tránh tác hại của tia UV. Làn da trẻ vốn non nớt và dễ tổn thương, trong khi trẻ thường xuyên vui chơi, chạy nhảy ngoài trời, nguy cơ mắc các bệnh về da do tác hại từ tia cực tím cao hơn nhiều lần so với người trưởng thành.
- Tại sao tia cực tím được sử dụng để diệt khuẩn?
- Tác hại của tia UV lên da qua ống kính nhiếp ảnh gia người Pháp
- Vì sao sóng nhiệt đầu mùa ở châu Á đáng báo động?