Tiêm xương vào chỗ gãy
Robin Quirk, một giáo sư thuộc Đại học Nottingham (Anh), cùng với Kevin Shakesheff (Mỹ), là những người đầu tiên phát triển công nghệ này. Theo ông Quirk: “Chúng tôi đang cố gắng chế tạo một hợp chất để lấp vào chỗ trống do sự gãy xương tạo ra, có thể hoạt động như một mẩu xương xốp bình thường và kích thích việc tái tạo xương một cách tự nhiên”. Không cần phải “rạch da xẻ thịt”, với hợp chất này, tất cả công cụ bác sĩ cần chỉ là một kim tiêm để đưa chất bột đến nơi cần thiết.
Chất bột trắng nói trên, trông giống kem đánh răng, là một hỗn hợp bao gồm ceramic và a-xít polylactic, được đặt tên là Injectable Bone (nghĩa là “Xương có thể tiêm vào”). Với nhiệt độ bình thường trong phòng, nó là một chất bột trơ. Nhưng một khi được đưa vào chỗ xương gãy bằng kim tiêm, nhiệt độ cơ thể khiến 2 loại vật liệu trên nóng chảy và bện lại với nhau thành một khối cứng và xốp y như xương thật. Đáng chú ý là trong quá trình kết cứng, Injectable Bone không tỏa nhiệt - vốn có thể gây tổn hại vùng mô xung quanh. Theo các chuyên gia, Injectable Bone có thể thay thế việc cấy ghép xương trong nhiều trường hợp. Injectable Bone không nhằm thay thế xương tự nhiên vĩnh viễn, mà chỉ cho cơ thể có thời gian hồi phục nhờ khả năng kích thích tăng trưởng xương.
Nhiều vết nứt trên cùng một khúc xương có thể khó lành. Để giữ khung xương đúng vị trí của nó, các bác sĩ thường cài đinh ghim và que phẫu thuật có thể khiến bệnh nhân phải chịu đau đớn khi gỡ ra. Injectable Bone có thể thay thế đinh ghim phẫu thuật hiện được sử dụng để giúp liền xương. Mặc dù vậy, nó không cho phép bệnh nhân từ bỏ việc… băng bột, do chất bột kết dính trên không đủ mạnh để gánh đỡ trọng lượng cơ thể.