Tiết kiệm hơn 600 triệu đồng trong một giờ tắt điện
Lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam, Giờ Trái đất năm nay dự kiến tiết kiệm tối thiểu 400.000 kWh, tương dương 603 triệu đồng.
>>> Tắt đèn bật ý tưởng hưởng ứng Giờ trái đất
Bộ Công Thương vừa công bố chiến dịch Giờ Trái đất 2014, với nghi thức tắt đèn diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 29/3 tại Quảng trường cách mạng tháng Tám. Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho hay, dự kiến năm nay, Giờ Trái đất sẽ tiết kiệm được khoảng hơn 400.000KWh điện, tương đương 603 triệu đồng.
Giờ trái đất diễn ra vào 29/3/2013. (Ảnh: H.H)
Ông Thành hy vọng Giờ Trái đất là tiền đề để vận động người dân tham gia tiết kiệm điện, khi tình hình cung ứng cho miền Nam có thể gặp khó khăn trong thời gian tới. Năm 2014, sản lượng tiết kiệm điện dự kiến tại miền Bắc và Trung dự kiến đạt tối thiểu đạt 1,5% sản lượng thương phẩm (925 triệu kWh), trong khi miền Nam là 2% (1.262 triệu KWh). Tính chung cả năm nay, EVN có thể tiết kiệm khoảng 2 tỷ kWh.
Trả lời PV về hiệu quả thực sự của Giờ Trái đất khi thực tế nhiều khách sạn, nhà hàng lớn vẫn không tham gia, ông Phạm Đức Tiến, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, Giờ trái đất không phải là chương trình ép buộc mà phụ thuộc vào ý thức cộng động. Bởi vậy, năm nay thành phố sẽ tính tới phương án vận động cả khách sạn, nhà hàng tham gia.
Theo ông Tiến, năm 2013, Giờ Trái đất đã diễn ra tại 29 quận huyện, trong một giờ, thành phố Hà Nội đã tiết kiệm được 219.000kWh, tương dương với lượng điện thương phẩm một ngày cấp cho một huyện.
Giờ Trái đất do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khởi xướng, là một sáng kiến toàn cầu nhằm nâng cao ý thức của người dân về biến đổi khí hậu. Khởi động từ năm 2007 tại thành phố Sydney (Australia), Chiến dịch Giờ Trái đất đã trở thành hành động có quy mô lớn nhất thế giới, quy tụ nhiều quốc gia và lãnh thổ trên khắp các châu lục cùng tham gia. Việt Nam tham gia Giờ Trái đất lần đầu tiên vào năm 2009.