Tiêu bản thực vật 230 năm tuổi của Pháp bị hải quan Australia thiêu hủy

Một sự cố hy hữu đã xảy ra, gây ra thiệt hại không thể tính toán được cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp, khi 105 mẫu thực vật trong một tiêu bản 230 năm tuổi thuộc sở hữu của Bảo tàng đã bị hải quan Australia thiêu hủy do thiếu giấy tờ kiểm dịch.

Tiêu bản cổ quý giá này, gồm 105 mẫu thực vật có tuổi đời từ thế kỷ 19, được Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp gửi cho các nhà khoa học thuộc phòng mẫu cây thành phố Brisbane, bang Queensland.

Vào tháng 12/2016, các nhà nghiên cứu Australia đã đề nghị Bảo tàng Pháp giúp đỡ bằng cách cho mượn tiêu bản cổ nói trên. Trong lĩnh vực khoa học, việc trao đổi này rất phổ biến, thậm chí là cần thiết nhằm thúc đẩy nghiên cứu quốc tế. Sau rất nhiều thủ tục hành chính, phía Pháp đã có thể gửi tiêu bản sang Australia vào tháng 3/2017.

Theo báo Guardian, tiêu bản đã bị hải quan Australia thiêu hủy "do thiếu giấy tờ kiểm dịch". Các giấy tờ này chứng nhận rằng không có vi khuẩn trong các mẫu vật chuyển vào lãnh thổ Australia. Thông thường chúng được sử dụng cho việc nhập khẩu hoa quả nhiệt đới hoặc động vật sống, mà rất hiếm áp dụng cho các tiêu bản.


Tiêu bản cổ gồm các mẫu thực vật. (Ảnh: AFP).

Đáng tiếc là vài ngày sau khi bị kiểm tra, tiêu bản cổ của Pháp đã bị thiêu hủy mà không báo trước cho chủ sở hữu. Theo ông Michel Guiraud, giám đốc sưu tầm của Bảo tàng Pháp, "đây là một mất mát không thể sửa chữa được". Trong tiêu bản này có 6 mẫu vật tiêu biểu chứa đựng tất cả các tiêu chí cho phép mô tả đầy đủ một loài thực vật.

Tại Australia cũng như tại Pháp, các nhà khoa học đều bất ngờ và nuối tiếc trước thông tin trên. "Họ đã phá hủy các dấu vết đa dạng sinh học cách đây 200 năm, đây là những tư liệu tham khảo quan trọng khi muốn nghiên cứu về biến đổi khí hậu", ông Michel Guiraud giải thích. Theo một nhà nghiên cứu Australia, trong tiêu bản bị phá hủy có những mẫu vật rất cổ và khó mà sưu tầm lại được, những mẫu vật thậm chí không còn tồn tại trong thiên nhiên ngày nay nữa.

Lucie René, đang theo học thạc sĩ ngành cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp, nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu bản trong việc giúp các nghiên cứu sinh có một tầm nhìn về sự đa dạng của hệ thực vật tại một thời điểm chính xác trong lịch sử của hành tinh. Về mặt di sản, tiêu bản cổ này cũng cho phép mọi người tìm hiểu kiến thức cũng như phương cách khoa học của cả một thời kỳ trong quá khứ, thông qua các kỹ thuật và vật liệu dùng để bảo tồn các loài thực vật.

Nhờ công nghệ số hóa, các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Pháp vẫn có thể quan sát các mẫu vật đã bị tiêu hủy trên màn hình máy tính của họ. Tuy nhiên đây chỉ là một sự an ủi quá khiêm tốn, vì họ không thể tiếp cận được chất liệu hữu cơ của các loài thực vật đó nữa. Theo ông Michel Guiraud, Bảo tàng Pháp sẽ tạm dừng việc cho mượn các tiêu bản và sẽ tìm hiểu xem đó chỉ là một sự cố hy hữu hay thực sự các thủ tục hành chính là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các bộ sưu tập quý giá.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất