Tiểu hành tinh 800.000km2 bay tới gần Trái Đất

Một trong những tiểu hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời bay gần Trái Đất đến mức có thể quan sát trên bầu trời đêm bằng mắt thường.

Tiểu hành tinh mang tên 4 Vesta hay Vesta lớn và sáng tới độ có thể quan sát từ Trái Đất dù ở cách chúng ta 170 triệu km, Metro hôm qua đưa tin. Người yêu thiên văn có thể nhìn thấy thiên thạch này trên cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu, ở vị trí gần sao Hỏa, sao Thổ và chòm sao Sagittarius. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết Vesta sẽ không đến gần Trái Đất hơn và không có khả năng đâm vào hành tinh.


Mô phỏng chuyến bay của Dawn qua tiểu hành tinh Vesta. (Video: NASA).

Vesta có diện tích hơn 800.000km2, lớn gấp 50 lần thiên thạch xóa sổ loài khủng long. Thời gian muộn nhất để quan sát Vesta trên bầu trời đêm là ngày 16/7.

Vesta được đặt theo tên nữ thần của bếp lửa và gia đình trong thần thoại La Mã. Đây là một trong những thiên thạch lớn nhất mà con người từng biết đến, nằm trong vành đai tiểu hành tinh. Từ Trái Đất, thiên thạch lớn gấp 4 lần nước Anh, xuất hiện như một chấm vàng sáng mờ trên bầu trời đêm. Vesta rất dễ trông thấy so với những thiên thạch khác ở cùng vành đai bởi bề mặt của nó phản chiếu nhiều ánh sáng hơn Mặt Trăng.

Vesta là thiên thạch lớn thứ hai trong vành đai tiểu hành tinh, chỉ xếp sau hành tinh lùn Ceres. Vành đai tiểu hành tinh là một chuỗi mảnh vỡ vũ trụ quay xung quanh Mặt Trời, nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc.


Tiểu hành tinh Vesta lớn gấp 4 lần nước Anh. (Ảnh: NASA).

Vesta có hình dáng hơi giống hình bầu dục. Bề mặt của tiểu hành tinh này phủ đầy miệng hố, tương tự Mặt Trăng, được cho là kết quả từ một vụ va chạm mạnh trong quá trình hình thành thiên thạch. Miệng hố lớn nhất có đường kính 460 km. Tàu thăm dò Dawn của NASA bay tới Vesta năm 2012 và khám phá chi tiết tiểu hành tinh.

Vesta sở hữu một trong những đỉnh núi cao nhất (21km) mà con người từng nhìn thấy ở cực nam. "Nó cao không kém ngọn núi cao nhất hệ Mặt Trời, núi lửa hình khiên Olympus Mons trên sao Hỏa", Chris Russell, nhà nghiên cứu trong phi vụ Dawn, cho biết. Olympus Mons vươn cao khoảng 24km trên bề mặt hành tinh đỏ trong khi núi Everest trên Trái Đất chỉ cao 8,8km.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất