Tiểu hành tinh rơi xuống biển sẽ gây thủng tầng ozone
Kết luận trên được đưa ra sau khi nhóm các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu khoa học hành tinh Tucson (Mỹ) tiến hành mô phỏng bằng máy tính hiện tượng trên.
Nước biển với nồng độ muối cao bốc hơi sẽ làm xuất hiện lỗ hổng tầng ozone. Đến lúc đó bề mặt Trái Đất sẽ hứng chịu bức xạ tia tử ngoại cao nhất chưa từng có trong lịch sử.
Nghiên cứu trước đó cho thấy trung bình cứ 200.000 năm sẽ có một tiểu hành tinh đường kính 500m hoặc nhỏ hơn va chạm với Trái Đất và cứ khoảng 800.000 năm sẽ có một hành tinh tương đối lớn va chạm với Trái Đất.
Nghiên cứu chỉ ra có hơn 100 tiểu hành tinh đường kính từ 1.000-2.000m vận hành theo chiều hướng ngày càng xích lại gần quỹ đạo Trái Đất.
Theo dự báo của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), khoảng 800 tiểu hành tinh vận hành theo chiều hướng ngày càng xích lại gần Trái Đất.
Do khả năng tiểu hành tinh rơi xuống biển gấp hai lần so với rơi xuống đại lục, vì vậy nghiên cứu trên chỉ tập trung vào phân tích tình trạng tiểu hành tinh rơi xuống biển.
Kết quả mô phỏng bằng máy tính cho thấy một tiểu hành tinh đường kính 1.000m khi rơi xuống biển sẽ gây ảnh hưởng ở khu vực có đường kính hơn 1.000km, sẽ làm cho lượng lớn nước bốc hơi và gây ra cột nước cao tới 160km.
Tiểu hành tinh đường kính 500m rơi xuống biển có thể sản sinh chỉ số tia tử ngoại cao gấp 20 lần hoặc cao hơn, thậm chí sẽ duy trì nhiều tháng liền tại khu vực nhiệt đới phía Bắc. Trong khi đó, hành tinh đường kính 1.000m khi rơi xuống biển sẽ sản sinh giá trị bức xạ lớn nhất lên tới 56 lần.
Lỗ hổng tần ozone sẽ làm gia tăng tỷ lệ phát bệnh ung thư da và đục thủy tinh thể. Tình trạng chỉ số tia tử ngoại lên tới 56 lần chưa từng xuất hiện trong lịch sử, vì thế ảnh hưởng của nó sẽ là rất khó tưởng tượng.
Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện hành tinh có kích thước trung bình khi rơi xuống biển sẽ khiến cho cây trồng sinh trưởng gặp khó khăn, sản lượng lương thực toàn cầu giảm xuống. Vì thế các nhà khoa học khuyên các nông dân cần sớm lựa chọn một số cây trồng có khả năng chống lại tia tử ngoại mạnh, đồng thời tăng cường tích trữ lương thực để đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực khi bước vào thời kỳ sản lượng lương thực giảm sút.