Tìm hiểu nguồn gốc trái đất qua nghiên cứu thiên thạch
Một phần vật liệu cấu tạo nên trái đất là thiên thạch có nguồn gốc trong vũ trụ. Theo học giả Phipipp Heck đến từ Đại học Chicago và các đồng sự của mình, những thiên thạch đó trẻ hơn so với các dự đoán của các lý thuyết hiện hành.
Để phục vụ cho phân tích của mình, Heck và đồng sự nghiên cứu 22 tinh thể lấy từ thiên thạch Murchison. Tinh thể của thiên thạch Murchison bị văng ra ngoài vũ trụ từ các ngôi sao chết khoảng 4.5 tỉ năm trước, trước khi hệ mặt trời ra đời. Nhờ thành phần cấu tạo khác biệt, các nhà khoa học biết được rằng những tinh thể này được tạo thành bên ngoài hệ mặt trời.
Heck cho biết “Neon được sinh ra trong sự bức xạ tia vũ trụ. Sự tập trung của neon cho phép ta xác định khoảng thời gian một thiên thạch tồn tại trong vũ trụ là bao lâu.” Nhóm nghiên cứu của ông cho biết 17 tinh thể trong số này tồn tại trong vũ trụ trong thời gian từ 3 triệu tới 200 triệu năm, thấp hơn nhiều so với con số 500 triệu năm được ước tính trước đó. Chỉ 3 tinh thể trong số này có thời gian tồn tại như dự tính. Hai tinh thể còn lại cho ra kết quả không đáng tin cậy.
“Biết được tuổi đời của thiên thạch có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết về tiến trình hình thành của sao và của hệ mặt trời.” Nhóm nghiên cứu cho biết thêm: trước khi có mặt trời, việc hình thành các ngôi sao một cách dày đặc đã sản sinh ra lượng bụi khổng lồ; điều này giải thích cho sự khác nhau về mặt thời gian.
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Cơ quan quản lý hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ, Quỹ khoa học quốc gia Thuỵ Sỹ, Đại học quốc gia Australia, và Hội đồng quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ Brazil.