Tìm ra cách phát hiện sớm ung thư buồng trứng
Các nhà khoa học Mỹ vừa thành công trong việc phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thông qua phương pháp kiểm tra máu, mở đường cho kỹ thuật xác định bệnh nhân mắc bệnh không cần thông qua phẫu thuật.
>>> Cơ hội cho những bệnh nhân ung thư buồng trứng
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Texas, Mỹ công bố trên mạng tin truyền hình Canada (CBC) ngày 26/8 cho biết nghiên cứu được tiến hành trên 4.051 phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh trong vòng 11 năm.
Những người tham gia được xét nghiệm máu định kỳ để đo mức độ CA125 - một loại protein do các khối u buồng trứng, kể cả các u nang vô hại, sản sinh ra.
Kết quả, 83% phụ nữ nằm trong diện nguy cơ bình thường và tham gia xét nghiệm máu hàng năm; khoảng 14% phụ nữ ở nhóm trung gian và phải lặp lại các xét nghiệm 3 tháng/lần; gần 3% phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ cao, được yêu cầu đi siêu âm và tham khảo ý kiến của bác sĩ phụ khoa.
Xét nghiệm máu định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư buồng trứng. (Nguồn: AP)
Tất cả 4 phụ nữ mắc bệnh trong nhóm này đều có quá trình tham gia nghiên cứu ít nhất 3 năm và có chỉ số CA125 mức thấp trong lần kiểm tra máu đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ số này tăng lên trong những lần kiểm tra sau.
Các nhà nghiên cứu cho biết mục tiêu của việc kiểm tra máu là tìm ra đích xác các khối u khi chúng còn trong giai đoạn có thể điều trị được.
Ung thư buồng trứng tuy không phổ biến nhưng có thể gây tử vong do các triệu chứng thường không có hoặc không rõ ràng nên khó phát hiện bệnh sớm.
Bên cạnh đó, do tỷ lệ mắc bệnh ung thư buồng trứng tương đối thấp trong nữ giới, một chiến lược sàng lọc nhằm giảm thiểu các cuộc phẫu thuật không cần thiết do các giá trị dương tính giả là rất quan trọng.
Giới chuyên gia cũng đánh giá chiến lược hai bước để tầm soát ung thư buồng trứng ở phụ nữ mãn kinh đã thành công xuất sắc trong việc xác định bệnh nhân mắc bệnh này mà không cần phẫu thuật.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang chờ kết quả của một nghiên cứu khác được tiến hành tại Anh với thuật toán tương tự nhưng có quy mô lớn hơn, bao gồm khoảng 200.000 người tham gia ngẫu nhiên.
Nghiên cứu thứ hai này cũng nhằm mục đích xác định khả năng giảm tử vong cho người mắc ung thư buồng trứng nhờ kiểm tra nồng độ CA125 trong máu định kỳ.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu các chỉ dấu sinh học khác của ung thư buồng trứng. Nếu nghiên cứu có kết quả, biện pháp này sẽ được áp dụng như một dạng xét nghiệm sàng lọc phục vụ người bệnh.