Tìm ra hóa thạch có khả năng viết lại toàn bộ lịch sử về con người
Con người cần rất nhiều thời gian để xâm chiếm toàn bộ Trái đất. Nhưng lịch sử của quá trình đó có nguy cơ bị viết lại hoàn toàn chỉ vì một hóa thạch.
Loài người có lịch sử xuất hiện từ rất lâu, nhưng không phải ngay từ đầu chúng ta đã có mặt ở mọi nơi trên thế giới này. Chúng ta cần nhiều thời gian để di chuyển đến nhiều lục địa khác nhau, và tất cả đều đã được các nhà sử học ghi lại sau nhiều năm nghiên cứu.
Tuy nhiên mới đây, một hóa thạch được tìm thấy tại San Diego (Mỹ) đang có "nguy cơ" khiến chúng ta phải viết lại lịch sử di trú của loài người.
Hóa thạch của mastodon.
Cụ thể, các chuyên gia từ Bảo tàng lịch sử tự nhiên San Diego đã tìm thấy xương của mastodon - một loài voi cùng họ với voi mammoth.
Những ống xương này có niên đại 130.000 năm, nhưng lại có dấu vết cho thấy con người đã dùng đá để đập vỡ xương, nhằm hút lấy chất dinh dưỡng bên trong. Điều này sẽ chẳng có vấn đề gì, nếu như lịch sử hiện nay không nêu rằng con người chỉ xuất hiện tại đây trong ít nhất là 115.000 năm kế tiếp.
Mastodon - loài voi cùng họ với mammoth sống tại Bắc Mỹ.
Theo lịch sử hiện nay thì lúc đó, người Homo sapien (chính là chủng người hiện đại chúng ta) vẫn còn đang ở châu Phi. Do vậy, các chuyên gia tin rằng những người săn đuổi voi mastodon thuộc về một dòng giống chưa xác định.
Những người này có thể là Homo erectus, Neanderthals hoặc Denisovans. Chủng người "Hobbit" mới tìm ra gần đây là Homo floresiensis lúc đầu cũng là ứng viên, nhưng sau đó khả năng này đã bị bác bỏ.
Bằng cách nào con người xâm chiếm châu lục này đang là một câu hỏi rất khó trả lời. Theo các chuyên gia thì có 2 khả năng: hoặc họ đã vượt qua con đường nối giữa Đông Á và Alaska, hoặc họ đã vượt qua 80km đường biển để đến đây.
Trên thực tế, hóa thạch mastodon được tìm thấy từ năm 1992, nhưng phải đến năm 2011, công nghệ mới cho phép chúng ta dự đoán chính xác được độ tuổi của những ống xương này. Và phải đến năm 2017, các chuyên gia mới công bố nghiên cứu.
"Cần đến 22 năm để kết nối những mảnh ghép lại với nhau. Và giờ bức tranh nó mang lại có thể thay đổi tất cả" - Steve Holen từ Bảo tàng Khoa học tự nhiên Denver.
Hành trình tìm ra hóa thạch vĩ đại
Khi mới tìm ra hóa thạch, các chuyên gia từ bảo tàng đơn giản chỉ nghĩ đó là xác của một con mastodon. Thế nhưng, rất nhiều ống xương bị nứt vỡ một cách bí ẩn. Theo Holen, ông đã thực hiện một số thử nghiệm khác nhau, và đưa ra một kết luận rất bất ngờ:
"Không có hiện tượng địa lý, hoặc loài vật nào đủ sức tạo ra những vết nứt như vậy, trừ búa của con người".
Theo các chuyên gia thì khả năng người tiền sử đã vượt qua con đường nối giữa Đông Á và Alaska để đến Bắc Mỹ.
Hơn nữa, khi khám nghiệm những tảng đá xung quanh hóa thạch: "Dấu vết từ những hòn đá xung quanh cho thấy chúng được dùng làm búa" - các chuyên gia từ bảo tàng cho biết.
Vậy nên có thể nói, đây là một phát hiện có thể làm thay đổi lịch sử loài người. Họ - những người đã xấm chiếm Bắc Mỹ - là ai? Phải chăng là thế hệ khai phá Bắc Mỹ từ rất sớm, nhưng không thành công?
Những tảng đá nhiều khá năng được dùng làm búa.
Giáo sư Erella Hovers, nhà khảo cổ học thược ĐH Hebrew tại Jerusalem cũng cho rằng đây là một phát hiện gây sốc. "Phát hiện này cho thấy con người đã xuất hiện ở Tân thế giới (tên gọi khác của châu Mỹ) sớm hơn tới 100.000 năm so với những gì đã biết".
"Nhưng điều gì đã xảy ra sau đó? Câu trả lời cần nhiều thời gian để thu thập chứng cứ hơn nữa" - Hover chia sẻ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.