Tìm thấy bụi không gian “già” nhất trên trái đất

Các chuyên gia địa chất Nhật Bản cho biết đã tìm thấy những mẩu vi thiên thạch, tức bụi không gian, rơi xuống trái đất cách đây 240 triệu năm.

Bụi không gian được tìm thấy ở Nhật - Ảnh: Wired.

Theo trang tin Physorg, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Tetsuji Onoue (Đại học Kagoshima) chủ trì đang nghiên cứu một dạng thạch anh vi tinh thể tại đảo Ajiro.

Mỗi năm có khoảng 30.000 tấn bụi không gian, phần lớn từ sao chổi và hành tinh nhỏ, rơi xuống trái đất. Tuy nhiên rất khó tìm thấy do chúng có kích cỡ siêu nhỏ và do cách thức chúng phát tán sau khi rơi xuống trái đất. Để tồn tại nguyên vẹn trong 240 triệu năm, các mẫu thử nghiệm của ông Onoue trước hết phải “sống sót” sau khi bị đốt cháy trong tầng khí quyển (90% bụi không gian rơi xuống trái đất bị thiêu rụi).

Sau đó, chúng sẽ rơi vào một lớp trầm tích nào đó, được bao bọc và giữ an toàn qua hàng ngàn thế kỷ. Với độ tuổi ước khoảng 240 triệu năm, những khối phỏng cầu giàu chất sắt cực nhỏ của chuyên gia Onoue “già” hơn khoảng 50 triệu tuổi so với bất kỳ bụi không gian nào được tìm thấy trước đây trên trái đất.

Trong báo cáo đăng trên chuyên san Geology số ra đầu tháng này, Onoue đã mô tả cách thức tìm kiếm vi thiên thạch ẩn trong đá sừng. Đầu tiên họ phải nghiền đá, sau đó dùng một cái sàng để rây bột đá. Kế tiếp, phần bột đã sàng được rửa sạch và được lọc lại một lần nữa bằng nam châm. Sau đó, các chuyên gia kiểm tra kết quả bằng một kính hiển vi điện tử và tìm thấy những khối phỏng cầu có đường kính chỉ khoảng 10 micron (1 micron = 1 phần triệu mét).

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất