Tìm thấy hành tinh giống Trái đất nhất
Một hành tinh mới được phát hiện cách khoảng 36 năm ánh sáng được xem là hành tinh khả dĩ cho sự sống nhất từ trước tới nay, nếu nó có đủ lượng mây bao quanh, thông tin trên tờ National Geographic cho hay.
Hành tinh này có tên HD85512b, quay quanh một ngôi sao lùn cam trong chòm sao Vela. Các nhà thiên văn thuộc Đài thiên văn Nam Âu đã sử dụng Kính thiên văn dò sao vận tốc xuyên tâm HARPS có độ chính xác cao, đặt tại Chile để dò ra hành tinh này.
Dữ liệu của kính thiên văn HARPS cho thấy HD85512b lớn gấp 3,6 lần Trái đất, thuộc nhóm hành tinh ngoài hệ mặt trời có thể chứa sự sống nhỏ nhất. Theo các nhà khoa học, những hành tinh có kích thước gấp hơn 10 lần Trái đất thường có khí quyển mà hydro và heli chiếm đa phần, không thích hợp cho sự sống. Tuy nhiên, khí quyển của nhóm hành tinh tương đương kích thước HD85512b thường chứa đa phần khí nitơ và ôxy, tương tự như khí quyển Trái đất.
Mô hình vi tính một hành tinh ngoài vũ trụ giống Trái đất. (Ảnh: L. Calçada, ESO)
Hơn nữa, hành tinh mới này quay quanh một ngôi sao chủ ở khoảng cách vừa đủ để có thể tồn tại nước ở thể lỏng trên bề mặt hành tinh đó, đặc điểm tối thiết yếu cho sự sống. “Khoảng cách này chính xác là giới hạn cho phép tồn tại nước ở thể lỏng”, trưởng nhóm nghiên cứu Lisa Kaltenegger thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian và Viện thiên văn Max Planck cho biết. “Nếu đặt nó vào hệ mặt trời để so sánh, khoảng cách của HD85512b đến Mặt trời xa hơn Sao Kim một chút”, ở khoảng cách này, hành tinh đó có khả năng nhận được nhiều năng lượng Mặt trời chỉ hơn so với Trái đất một chút.
Song, để có thể tồn tại sự sống, ít nhất 50% bầu trời của hành tinh này phải được che phủ bởi mây, theo tính toán của nhóm nhà khoa học. Bởi mây bao sẽ giúp phản chiếu lại ánh sáng mặt trời ra vũ trụ, ngăn nó không bị đốt cháy. Nếu 50% hành tinh này được che phủ bởi mây, nước có thể tồn tại ở thể lỏng trên hành tinh, và sẽ cung cấp một môi trường sống tương tự như ở Trái đất.
Trung bình, mây bao phủ 60% Trái đất. Nếu một hành tinh hoàn toàn bị mây bao phủ 100%, hành tinh đó sẽ trở thành vùng đất hoang toàn băng đá, ngược lại, nếu một hành tinh không có mây bao phủ sẽ trở thành sa mạc không có nước, không ưu tiên sự sống.
Tất nhiên, có hay không có mây hơi nước ở HD85512b phụ thuộc vào sự tồn tại của khí quyển tương tự như khí quyển Trái đất, điều hiện nay chưa thể được dò ra ở những hành tinh xa xôi như vậy với các thiết bị hiện nay.
Năm 2010, các nhà khoa học đã khám phá ra hành tinh Gliese 581g, được cho là hành tinh giống Trái đất nhất tới thời điểm đó tuy nhiên sau đó, nhiều chuyên gia đã chứng minh điều ngược lại.