Tìm thấy hoa gừng hiếm ở Khánh Hòa

Các nhà khoa học vừa ghi nhận thêm khu vực phân bố của loài gừng đặc hữu của Việt Nam tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Khánh Hòa.

Loài gừng Geostachys annamensis, tên tiếng Việt là Đại sa Trung bộ được mô tả năm 1921, với mẫu vật thu ở Đà Lạt, Lâm Đồng bởi Henry Nicholas Ridley và Cecil Boden Kloss (1877–1949) trong chuyến khảo sát tại cao nguyên Lang Biang trước đó ba năm.


Hoa Geostachys annamensis - Đại sa trung bộ. (Ảnh: Trương Bá Vương)

Sau đó loài này được định danh bởi Ridley, thuộc phòng thực vật của bảo tàng Anh Quốc (British Museum). Loài này được ghi nhận lần cuối vào năm 1980. Cho tới nay có 10 tiêu bản mẫu lưu giữ tại Hà Nội, bảo tàng Anh và Paris. Tất cả bộ sưu tập này đều có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2010, Viện sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và Vườn thực vật Praha, Cộng hòa Czech phát hiện một cây đậu quả duy nhất của Geostachys trong Khu bảo tồn Hòn Bà, nhưng không thể xác nhận tên loài chính do còn thiếu hoa.

Sau đó, hoa của chúng được phát hiện trong chuyến đi gần đây nhất của các nhà khoa học thuộc Viện sinh học nhiệt đới (ITB) cuối tháng 4 năm nay.

Trương Bá Vương, thuộc ITB đã gửi mẫu cho bà Jana Skornickova, làm việc tại Vườn Thực vật Singapore để định danh. Kết quả, đây là loài Geostachys annamensis phân bố ở độ cao hơn 1.000m trong thời tiết lạnh có sương mù.

"Điều đó cho thấy, loài Geostachys còn có khu vực phân bố mở rộng đến tỉnh Khánh Hòa. Dự đoán rằng trong tương lai, loài gừng này cũng có thể được tìm thấy ở tỉnh Ninh Thuận. Mẫu vật có hoa hiện lưu trữ tại Viện Sinh học nhiệt đới", Trương Bá Vương nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất