Tìm thấy hóa thạch lông chim 99 triệu năm tuổi bao bọc trong hổ phách

Một khám phá vĩ đại của các nhà khoa học, khảo cổ học trong công cuộc nghiên cứu về lịch sử cấu tạo và phát triển của các loài chim.

Thế giới khoa học hiện nay đã không còn xa lạ gì với những khám phá liên quan đến hóa thạch hổ phách của các loại rệp tiền sử. Nhưng phát hiện mới nhất về những mẫu cánh chim cổ đại tại Miến Điện thì quả thực chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Những hóa thạch nổi này - vẫn thể hiện đầy đủ dấu vết, bố cục, kết cấu lông cũng như mô mềm - thật sự là một bằng chứng khoa học đắt giá, đặc biệt là trong lĩnh vực khảo cổ học.

Thời kỳ loài chim phát triển rộng khắp trên Trái Đất vào khoảng 150 triệu năm trước, khi khủng long vẫn là giống loài thống trị thế giới. Các nhà khoa học đã thu thập được kha khá những hóa thạch hoàn chỉnh qua nhiều năm tìm kiếm và nghiên cứu, nhưng thông thường đó chỉ là vài mẫu hình trên mặt đá.

Về góc độ liên quan tới hổ phách, nhiều nhóm nghiên cứu từng lần ra dấu hiệu của chim cổ đại trong đó, nhưng chỉ là những sợi lông đơn lẻ. Còn đôi cánh chim hóa thạch có niên đại 99 triệu năm về trước vừa được tìm thấy đã mở ra một chân trời mới cho ngành phân tích khảo cổ, lịch sử cũng như cấu tạo và hình dạng của loài chim này.


Một mẫu hóa thạch hổ phách.

Những khám phá nổi bật trên, hiện đang được trưng bày tại một Trung tâm Nghiên cứu Tự nhiên, được tìm thấy bởi các nhà cổ sinh vật học Lida Xing, Ryan McKellar và những đồng nghiệp khác ở một tàn tích thuộc tỉnh Kachin của Myanmar (trước là Burma). Đặc biệt, những hóa thạch có kích thước ba chiều này vẫn lưu lại nang lông, mô mềm và cả bố cục sắp xếp - cấu tạo nên cơ thể của một sinh vật bay tồn tại vào thời điểm 100 triệu năm về trước.

Đây là lần đầu tiên giới khoa học có cơ hội được "chạm tay" thật sự vào đặc điểm đặc trưng của họ nhà chim, vốn đã tuyệt diệt vào cuối Kỷ Phấn trắng.


Cấu tạo và màu sắc vẫn có thể nhìn rõ.

Vì kích thước cánh khá nhỏ, cùng với độ cân đối chưa đạt mức lý tưởng, do đó các nhà khoa học đã kết luận cặp hóa thạch này bắt nguồn từ một cá thể chim non đã không may mắn bị chết sớm sau khi nở, cụ thể thuộc loài chim Enantiornithines, vốn đã có đặc thù của cánh phát triển gần giống với giai đoạn trưởng thành ngay cả khi chúng vẫn còn trong độ tuổi non nớt (lý giải cho xu hướng và thói quen tự lập ngay sau khi chào đời của nhiều loài chim). Vì vậy, dù chỉ là một phần của một cơ thể chưa hoàn chỉnh, nhóm nghiên cứu cũng có thể dự đoán và đưa ra những hình ảnh hoàn thiện về hình dáng và cấu tạo của một cá thể trưởng thành.


Những đặc điểm trải qua gần 100 triệu năm vẫn còn được giữ lại.

Bên cạnh đó, cấu trúc xương và lông cánh cũng được phân tích kỹ lưỡng, sử dụng kỹ thuật tiên tiến như chụp cắt lớp siêu vi bằng tia X. Nhìn tổng thể, bộ lông của loài chim hóa thạch nói chung có nhiều nét tương đồng so với thế hệ chim thời đại ngày nay. Ví dụ, khi đặt cạnh so sánh với cấu tạo lông của chim cổ đỏ, dựa vào sự biến đổi màu sắc cũng như cấu tạo vi mô, hầu như bạn không thể phân biệt nổi đâu là hiện thân của quá khứ, đâu là hình ảnh của hiện tại.


Nhìn tổng thể, bộ lông của loài chim hóa thạch nói chung có nhiều nét tương đồng so với thế hệ chim thời đại ngày nay.

"Những mẫu vật hóa thạch này biểu hiện cho một bộ lông có tính chất và đặc điểm tương tự như loài chim hiện đại, đồng thời cũng có mối liên hệ với khủng long bay (99 triệu năm trước)", trích dẫn lời tác giả trong quá trình nghiên cứu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc loài chim đã bắt đầu tiến hóa về mặt cấu tạo lông của mình từ thời điểm 100 triệu năm về trước, và cũng không có quá nhiều thay đổi nào xuất hiện và phát triển thêm kể từ đó đến nay, qua dòng xoay chuyển của thời gian bất tận.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất