Tìm thấy núi lửa sâu nhất hành tinh
Các nhà khoa học của Trung tâm Hải dương quốc gia Anh vừa phát hiện miệng núi lửa ở độ sâu 5 km ở biển Carribe.
AP hôm qua đưa tin một nhóm nghiên cứu trên tàu RRS James Cook thám hiểm lòng máng Cayman thuộc biển Caribbe bằng tàu ngầm nhỏ được điều khiển từ xa. Tàu ngầm đã phát hiện núi lửa tại lòng máng Cayman. Nằm cách mặt biển tới 5 km, đây là núi lửa sâu nhất từng được tìm thấy trên hành tinh.
Nhà địa chất Bramley Murton, người điều khiển tàu ngầm, cho biết khu vực xung quanh núi lửa trông giống như quang cảnh trong một thế giới hoàn toàn khác. Murton và các đồng nghiệp nhìn thấy các cột khoáng chất nhiều màu sắc và vô số vi sinh vật phát ra ánh sáng màu xanh dương.
“Đó là cảnh tượng tôi chưa từng thấy bao giờ”, Murton nói.
Nước trong các miệng núi lửa dưới biển có thể đạt tới nhiệt độ 400 độ C. Luồng nước nóng giàu chất khoáng bị đẩy vào nước lạnh giá dưới đáy đại dương, tạo ra hiệu ứng giống như khói bốc lên và để lại những cột khoáng chất cao vút. Áp suất cực lớn dưới đáy – gấp khoảng 500 lần so với áp suất khí quyển – giữ cho nước không sôi sùng sục.
Môi trường bên trong các miệng núi lửa dưới đại dương rất khắc nghiệt. Nhiệt độ và áp suất cao kết hợp với các kim loại độc tạo nên một thứ chất lỏng có tính axit cực cao. Thế nhưng các miệng núi lửa dưới nước lại là nơi sống của nhiều động vật mà con người hiếm khi nhìn thấy – như tôm mù, cua trắng khổng lồ hay giun ống. Các nhà khoa học rất quan tâm tới giun ống bởi loài động vật này không hề có hệ tiêu hóa mà vẫn tồn tại.
Những vi khuẩn hấp thụ hóa chất có thể sống ở tận cùng trong miệng núi lửa. Chúng “xơi” khí hydrogen sulphide (H2S) và metan (CH4) để làm thức ăn.
“Đối với những sinh vật trên cạn thì môi trường bên trong miệng núi lửa là địa ngục, nhưng trên thực tế sự sống vẫn tồn tại bên trong những nơi như thế. Chúng tôi đang tìm hiểu xem tại sao điều đó xảy ra”, Jon Copley, một nhà khoa học của Trung tâm Hải dương quốc gia Mỹ, nói.
Nhóm nghiên cứu nhận định đây có thể là miệng núi lửa nóng nhất hành tinh. Quá trình tìm hiểu nó có thể giúp giới khoa học hiểu thêm về lịch sử đại dương, cấu tạo hóa chất của đáy đại dương, những đặc tính vật lý của các chất lỏng “siêu giới hạn” – chất lỏng có nhiệt độ cao đến nỗi chúng có những đặc điểm giống như chất khí.