Tìm thấy răng của Galileo
Galileo Galilei (sinh năm 1564) là nhà thiên văn, vật lý, toán học và triết học lỗi lạc người Italy. Ông từng bị Tòa thánh Vatican đưa ra xét xử tại Tòa án dị giáo do nói rằng trái đất xoay quanh mặt trời. Vào thời đó Kinh thánh dạy rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mọi thiên thể, gồm cả mặt trời, xoay quanh nó. Trước tòa Galileo buộc phải thề rằng ông sẽ từ bỏ thuyết nhật tâm. Nhưng ngay sau khi bước ra khỏi phòng xét xử, nhà thiên văn nói lớn: "Dù sao trái đất vẫn quay!"
Nhà thiên văn mất vào năm 1642. Vào năm 1737 thi hài ông được đưa vào nhà thờ Santa Croce ở thành phố Florence, Italy.
Paolo Galluzzi, giám đốc Bảo tàng Lịch sử Khoa học Italy, cho biết, nhân dịp này những người ngưỡng mộ Galieo đã tìm cách đánh cắp những bộ phận cơ thể ông. Họ lấy được ba ngón tay, một đốt xương sống và một răng. Một ngón tay được tìm thấy ngay sau đó và giờ đây nó nằm trong Bảo Lịch sử Khoa học. Đốt xương sống được lưu giữ tại Đại học Padua - nơi Galileo giảng dạy nhiều năm.
Nhưng chiếc răng và hai ngón tay của nhà thiên văn lỗi lạc - gồm ngón cái và ngón giữa bên tay phải - vẫn chưa được tìm thấy. Galluzzi nói rằng mới đây người ta phát hiện ra rằng hồi ấy một hầu tước người Italy đã giữ nó. Ông ta cho những mẩu xương vào hộp gỗ và chúng được truyền từ đời này sang đời khác.
"Sau khi biết đó là những mẩu xương của Galileo, hậu duệ của vị hầu tước kia quyết định đem bán đấu giá chúng. Nhưng tới năm 1905, không ai biết bất kỳ thông tin nào về những mẩu xương đó nữa. Vì thế các học giả cho rằng chúng đã mất vĩnh viễn", Galluzzi kể với Telegraph.
Nhưng rồi đột nhiên chiếc hộp chứa những mẩu xương xuất hiện trong một cuộc bán đấu giá và một nhà sưu tầm đã mua nó. Người này liên lạc với Galluzzi và một số quan chức văn hóa của thành phố Florence để nhờ họ xác minh xem có phải đó là những mẩu xương của Galileo hay không.
Với những đóng góp to lớn trong cuộc cách mạng khoa học, Galileo được người đời sau mệnh danh là "người khai sinh thiên văn học hiện đại", "cha đẻ của vật lý hiện đại" và "người mở đường của khoa học hiện đại". Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Giáo hoàng John Paul II đã phục hồi danh dự cho Galileo và tuyên bố Tòa thánh đã mắc sai lầm.
Telegraph cho biết, Bảo tàng Lịch sử Khoa học sẽ trưng bày hai ngón tay và chiếc răng của Galileo vào mùa xuân năm sau.