Tin được không: Cái hang sâu hun hút này được đào bởi những sinh vật khổng lồ thời cổ đại
Các chuyên gia đã tìm ra nhiều hang động rất lớn, được cho là tác phẩm của nhiều loài sinh vật khổng lồ đã tuyệt chủng xưa kia.
Trước khi loài người xuất hiện, Trái đất phải chịu sự thống trị của vô số các loài động vật cỡ lớn. Và di sản chúng để lại không chỉ là các hóa thạch vô giá đâu. Ở Nam Mỹ, người ta tìm thấy những đường hầm dài mà sâu hun hút, được cho là tác phẩm của những sinh vật khổng lồ đã tuyệt chủng.
Những cái hang này được gọi là "hang cổ sinh" (paleotocas hoặc paleoburrow), được tìm thấy lần đầu tiên tại Argentina vào cuối những năm 1920. Nhưng gần đây, các chuyên gia người Brazil - như giáo sư Heinrich Frank và Amilcar Adamy, đã khai quật được thêm nhiều đường hầm khác tại quốc gia của họ.
Vậy những sinh vật đã đào chúng là gì? Theo các nhà nghiên cứu, nhiều khả năng đó là những con lười đất khổng lồ đã tuyệt chủng vào hơn 11.000 năm trước - như loài Glossotherium. Thời kỳ đó, rừng Amazon là đồng cỏ xa-van rộng lớn, với sự thống trị của những sinh vật khổng lồ như cá sấu cổ đại, voi mastodons (cùng họ với voi mammoth), và nhóm động vật đào hang kể trên.
Kể từ khi phát hiện, các chuyên gia phải lao tâm khổ tứ tìm hiểu, nghiên cứu và giải thích cái công trình kỳ lạ này, vì chúng có thể cung cấp những thông tin hết sức quan trọng.
"Với các hóa thạch động vật, ta chẳng thể biết chúng sống như thế nào, hành xử ra sao, sống theo cộng đồng hay đơn độc." - Frank cho biết. "Đó là lý do khiến các hang cổ sinh thực sự quan trọng".
Hiện tại, có khoảng hơn 2.000 cái hang ngầm đã được tìm thấy. Chúng có 3 loại kích cỡ: 0,8m, 1,2m và 2m, thường sâu khoảng 60m.
Các chuyên gia ước tính niên đại của những cái hang rơi vào khoảng 8.000 đến 10.000 năm trước, hoặc có thể cổ hơn.