Tinh dầu thơm: Sát thủ âm thầm?
Nhiều người rất thích cảm giác sảng khoái, hưng phấn khi sử dụng tinh dầu thơm. Tuy nhiên không phải ai cũng dùng được loại hương thơm này. Nếu không biết sử dụng đúng cách, tinh dầu thơm sẽ là con dao hai lưỡi gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dùng.
Tác hại của tinh dầu thơm
Tinh dầu thơm và các phương pháp điều trị bằng hương thơm đang rất được ưa chuộng trên thế giới, tại các spa chăm sóc sắc đẹp chuyên nghiệp cũng như tại nhiều hộ gia đình. Nhiều hãng mỹ phẩm tuyên bố tinh dầu có thể làm dịu sự đau nhức của cơ, giải tỏa stress và khiến tâm hồn trở nên thư thái.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học Đài Loan, tinh dầu hương hoa lại “lợi bất cập hại”. Tinh chất chiết xuất từ thảo dược, hoa... khi tan trong bồn tắm, massage trực tiếp lên da hay được đốt bởi đèn tinh dầu.... đều có thể tương tác với không khí và tạo ra những hạt nhỏ gây kích thích.
“Khi các spa sử dụng tinh dầu thơm để massage thư giãn, mật độ hạt có hại trong không khí sẽ tăng gấp 10 lần”, Đại học Dược Chia-Nan cho biết. Những hạt này gây ngứa mắt, viêm mũi và họng, ngoài ra còn có thể gây đau đầu, buồn nôn và nguy hiểm hơn, gây tổn thương gan và thận.
Việc đốt tinh dầu hoặc nến thơm ở nhà cũng giải phóng ra các hạt gây kích ứng tương tự nhưng với mật độ nhẹ hơn. Nếu dùng không thường xuyên và trong thời gian ngắn, tinh dầu thơm có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện làn da, tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể ngủ ngon hơn. Mặc dù vậy, những tác dụng phụ của chúng là “không thể chối cãi và không thể phớt lờ”, nhóm nghiên cứu cảnh báo.
Trong bài báo đăng tải trên tạp chí Environmental Engineering Science, các tác giả cho biết tất cả các loại tinh dầu thơm đều phát tán hóa chất độc vào không khí. Tuy nhiên, độc hại nhất là tinh dầu oải hương, trà xanh, bạc hà, chanh và khuynh diệp.
Daily Mail cho biết, vào năm 2007, một nghiên cứu tương tự cũng ở Đài Loan cho thấy, nến thơm mùi trà xanh, oải hương và khuynh diệp có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp hoặc khiến cho những người có bệnh về phổi bị khó thở, gia tăng các triệu chứng của bệnh hen.
Một số bệnh viện cho biết tinh dầu còn có thể khiến da bị bỏng và ngứa rát, nhất là khi bệnh nhân cho quá nhiều tinh dầu vào bồn tắm hoặc xoa quá nhiều lên da.
Những người nào không nên dùng tinh dầu?
Theo BS Nguyên Bình - Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba), những người dị ứng mùi thơm khi tiếp xúc với hóa chất có mùi sẽ bị nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, các chứng bệnh về hô hấp, hen suyễn thứ phát... Thậm chí kích động, mất định hướng, rối loạn hoạt động cơ. Đa số cơ thể không thể hiện phản ứng hương thơm trong thời gian ngắn, mà chỉ phản ứng khi bị tác động lâu dài, "tích" đủ lượng... thì sẽ gây tổn hại sức khỏe.
Dùng tinh dầu hợp lý sẽ rất tốt, nhưng nếu lạm dụng sẽ gây khó chịu cho cơ thể. Theo các chuyên gia, một loại tinh dầu không dùng quá 3 tuần, tránh dùng hàng ngày để da không bị phụ thuộc, giảm hiệu quả. Nếu dùng tinh dầu hỗn hợp có thể dùng liên tiếp trong 3 tháng nhưng không nên dùng quá 6 tháng.
Những người có vết thương hở không nên bôi tinh dầu. Người có làn da nhạy cảm, dễ bị viêm, dị ứng... tránh dùng tinh dầu đinh hương, gừng, khuynh diệp, cam, tiêu đen, bạc hà.
Những người bị bệnh huyết áp cao không nên dùng tinh dầu khuynh diệp, hương thảo, cỏ xạ hương, cây bài. Những người bị huyết áp thấp thì tránh dùng tinh dầu oải hương, kinh giới ô, ngọc lan tây.
Nếu người đã từng và đang bị động kinh, thần kinh, thận cần tránh xa tinh dầu khuynh diệp, tiểu hồi, hương thảo, lá xô thơm, cây bách, hạt tiêu đen, cây thông, cây thìa là.
Người có vấn đề về tuyến tiền liệt tránh dùng tinh dầu melissa, thông... Những người mắc bệnh tăng nhãn áp nên tránh dùng tinh dầu melissa...
Phụ nữ có thai giai đoạn đầu không nên dùng bất cứ loại tinh dầu nào. Giai đoạn sau muốn dùng cần có sự chỉ định hoặc tư vấn của bác sĩ và pha chế thật loãng.
Tốt nhất trước khi dùng loại tinh dầu nào cũng nên hỏi ý kiến của chuyên gia.