Tọa độ lục địa Australia lệch hơn 1,5m so với số liệu năm 1994
Phóng viên tại Sydney dẫn công trình nghiên cứu mới công bố cho thấy lục địa Australia đang dịch chuyển, có thể lệch hơn 1,5m so với tọa độ công bố trước đây, và các nhà khoa học tại Viện khoa học Địa chất Australia sẽ phải tính toán lại kinh độ và vĩ độ của nước này.
Khung đo tọa độ được sử dụng hiện nay, mang tên Dữ liệu Khoa học địa chất Australia (Geocentric Datum of Australia), được cập nhật lần cuối cùng vào năm 1994.
Do Australia nằm trên mảng kiến tạo lục địa dịch chuyển nhanh nhất trên thế giới, nên tọa độ đo được trước đây tiếp tục thay đổi theo thời gian.
Các trận động đất lớn thường làm thay đổi hình dạng của một mảng lục địa.
Theo tính toán của các nhà khoa học, mảng lục địa này mỗi năm dịch chuyển về phía Bắc khoảng 7cm và có thể sẽ va chạm với mảng Thái Bình Dương hiện cũng dịch chuyển về phía Tây mỗi năm khoảng 11cm.
Sự tích tụ ứng suất giữa hai mảng lục địa này khi được giải phóng có thể sẽ gây ra các trận động đất.
Việc tính toán số liệu cũng còn phải dựa vào nhiều yếu tố khác, như các trận động đất lớn thường làm thay đổi hình dạng của một mảng lục địa.
Chẳng hạn trận động đất mạnh 8,1 độ Richter ở phía Bắc đảo Macquarie của Australia ngày 23/12/2004 đã khiến khoảng cách giữa thành phố Sydney, thuộc bang New South Wales, với Hobart, thông bang Tasmania, xa thêm vài mm.
Nhà khoa học Dan Jaksa thuộc Viện Khoa học Địa chất Australia đang tham gia chương trình hiện đại hóa dữ liệu khoa học về Australia, cho biết việc điều chỉnh số liệu về tọa độ là rất cần thiết vì sự chênh lệch giữa vị trí hiện tại với tọa độ mà Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) sử dụng ngày càng lớn.
Dự kiến, số liệu đo lường mới sẽ được công bố vào đầu năm tới.