Toàn cảnh tuyến metro 33.000 tỷ khi hoàn thành 99% phần trên cao

Sau nhiều năm chậm tiến độ, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3) đã hoàn thành gần 99% các hạng mục của phần trên cao.


Được gọi là dự án tiến độ rùa thập kỷ, hiện dự án metro Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3 trong tổng số 8 tuyến đường sắt đô thị của thủ đô) đã hoàn thành gần 49%, trong đó riêng đoạn trên cao đạt gần 99%. Hình ảnh tại nút giao cầu vượt Mai Dịch (ngã tư Phạm văn Đồng - Xuân Thủy).


Hình ảnh tại điểm depot Nhổn. Khu vực này đã hoàn thành 98% các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và 50% các công trình toà nhà.


Depot Nhổn là điểm đầu toàn tuyến metro, thuộc phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Công trình có quy mô hàng chục nghìn m2 bao gồm 16 tòa nhà phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa cho các đoàn tàu và vận hành toàn tuyến.


Đơn vị phụ trách thi công xây lắp hệ thống đường sắt cho khu vực depot và các ga trên cao đã hàn, lắp đặt ray dọc tuyến.


Trước đó, 3.200 tấn ray được chuyển từ Nga qua đường biển, tập kết ở depot Nhổn.


Tiến độ hàn ray toàn tuyến hoàn thành vào cuối tháng 6, thời gian lắp cầu ray diễn ra trong tháng 7.


Dự kiến, việc lắp đặt hệ thống đường sắt (gói thầu CP08) hoàn thành trong năm 2019 cho khu vực depot và các ga trên cao.


Nhà thầu đang thi công kết cấu thép cho phần mái và lắp đặt thiết bị trong nhà ga trên cao S1 - Nhổn, S2 - Minh Khai và S6 - Đại học Quốc gia.


Theo thiết kế, phần mái nhà ga của dự án có kết cấu dạng chữ V với độ dốc lớn. Khi trời mưa, nước sẽ làm sạch toàn bộ mái trước khi chảy xuống hệ thống thu gom giúp việc bảo dưỡng đơn giản hơn, tránh lắng đọng nước, bảo vệ mái khỏi bị ngấm và rò rỉ.


Công việc lắp mái che và kiến trúc của các nhà ga trên cao dự kiến triển khai từ tháng 9/2019 vào hoàn thành vào tháng 4/2020.


Hình ảnh tuyến metro tại Hồ Tùng Mậu, đoạn đi qua khu vực nghĩa trang Mai Dịch với cảnh sắc xanh mát ở hai bên đường.


Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,176 tỷ euro (khoảng 33.000 tỷ đồng, theo tỷ giá năm 2013) trong đó vốn vay ODA 899,68 triệu euro (khoảng hơn 25.000 tỷ đồng) từ chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp - AFD, Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng đầu tư châu Âu và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Vốn đối ứng trong nước gần 280 triệu euro (khoảng 7.800 tỷ đồng) lấy từ ngân sách thành phố.


Tổng chiều dài tuyến đường 12,5 km, bao gồm 8,5 km đi trên cao từ Nhổn đến Kim Mã và 4 km đi ngầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội. Tuyến đường sắt có 8 ga trên cao, 4 ga ngầm và khu depot tại Nhổn. Hình ảnh tuyến metro trên đường Cầu Giấy.


Khu vực ngã tư Cầu Giấy - Bưởi nhìn về phía trung tâm thủ đô. Ban Quản lý dự án đặt mục tiêu đưa đoạn trên cao vào khai thác năm 2020, còn 4 km đi ngầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội dự kiến được khai thác vào năm 2022.


Trong ảnh là điểm cuối của phần đường sắt trên cao nằm bên cạnh hồ Thủ Lệ, quận Ba Đình. Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội thông tin các nhà thầu thi công đang tập trung làm hầm và 4 ga ngầm, hiện gói thầu này mới đạt hơn 4% tiến độ.


Hình ảnh tại nút giao Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, đoạn đi ngầm từ phố Kim Mã (điểm cuối là ga Hà Nội). Tường vây và các kết cấu phụ trợ đang được thi công tại khu vực dốc hạ ngầm, ga S9 - Kim Mã và ga S10 - Cát Linh.


Để có mặt bằng thi công ga ngầm, Hà Nội phải giải phóng mặt bằng hàng chục ngôi nhà, cơ quan, đơn vị.


Đặc biệt, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị phải khảo sát, đánh giá với trên 3.500 tòa nhà và công trình lân cận công trường các ga ngầm từ ga S9 - Kim Mã tới ga S12 - ga Hà Nội.


Sơ đồ tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất