Toàn cầu bối rối tìm cách dập dịch cúm A/H1N1

Đó là những nỗ lực ở khắp các nước trên thế giới nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch cúm A/H1N1 cho tới ngày một loại vaccine phòng bệnh ra đời. Cho tới nay, các chuyên gia y tế vẫn đưa ra những đánh giá khác nhau về các biện pháp này.

Học sinh ở khắp châu Âu có thể có kỳ nghỉ hè kéo dài hơn mọi năm sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, đóng cửa trường học là một trong các chọn lựa mà nhiều nước nên cân nhắc.

Số người tử vong vì virus H1N1 đã tăng gấp đôi trong ba tuần qua, vượt quá 700 người kể từ khoảng 330 người vào đầu tháng 7. "Chúng ta có thể chứng kiến thêm nhiều người mắc bệnh, nhiều người tử vong trong tương lai”, phát ngôn viên WHO Aphaluck Bhatiasevi nói tại Geneva.

WHO không đưa ra thống kê cụ thể, nhưng tuần trước, Mỹ thông báo có 263 người tử vong, Canada có 45 người, Anh là 29 trường hợp. Theo con số cập nhật cuối cùng của WHO ngày 6/7, Mexico có 119 người chết vì cúm A/H1N1.

Tuy nhiên, những con số mới nhất đưa ra không thể phản ánh hoàn toàn thực tế lây lan và phát triển của bệnh cúm mới, bởi sự hạn chế của việc kiểm tra, xác nhận. 

Cuộc chiến giờ đây tập trung vào việc phát triển một loại vaccine có hiệu quả để chống lại đại dịch trước khi mùa cúm bắt đầu vào màu thu ở bán cầu bắc. Ước tính một loại vaccine trình làng có thể xuất hiện tầm từ giữa tháng 9 đến tháng 12.

Trong khi đó, tổ chức y tế LHQ đang làm việc với quan chức y tế các nước khắp thế giới để xác định họ có thể làm gì trong nỗ lực ngăn chặn bước đi của cúm H1N1.

"Đóng cửa trường học là một trong những biện pháp có thể được cân nhắc", Bhatiasevi nói với báo giới. Các chuyên gia cũng nhất trí rằng, đây có thể là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, nhưng cũng cảnh báo cần được xem xét ở góc cạnh ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội.

Câu hỏi chưa có giải đáp

Giới lãnh đạo tôn giáo thì bước vào cuộc tranh cãi sau khi chính quyền ở Jordan và quan chức y tế tại một hội nghị ở Ảrập Xêút đưa ra đề xuất, những người được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao, gồm phụ nữ có thai hay người có bệnh mãn tính không nên tham gia lễ hành hương hajj năm nay.

Các bộ trưởng Y tế Ảrập đã có cuộc họp khẩn tại Cairo hôm nay để đưa ra kế hoạch thống nhất đối phó với đại dịch.

Tại New Zealand, nhà thờ đưa ra lệnh cấm các linh mục đặt bánh thánh vào miệng giáo dân hay chia sẻ rượu nho, đồng thời yêu cầu giáo dân tránh tiếp xúc gần trong lễ cầu nguyện như bắt tay.

Chile, nơi có 40 người tử vong vì cúm A/H1N1, chính quyền đã hoãn một lễ hội tôn giáo phổ biến thường thu hút hàng chục nghìn người đổ về thị trấn phía bắc La Tirana, khiến các tín đồ lên tiếng phản đối.

"Câu hỏi chính là liệu người dân có chấp nhận những biện pháp của chính phủ hay không?”, Christian Drosten, phụ trách viện nghiên cứu virus tại Đại học Bonn ở Đức nhấn mạnh. "Bạn cần sự ủng hộ của người dân, nếu không các nỗ lực thực thi sẽ không hiệu quả”, ông nói. "Khi mọi người coi thảm hoạ dịch bệnh là nghiêm trọng, bạn sẽ chứng kiến họ tự giữ khoảng cách xã hội để hạn chế lây nhiễm”.

"Nhưng vấn đề còn ở văn hoá”, Drosten cho biết. "Những gì hiệu quả ở châu Âu có thể không hay ở các nước khác”.

Tại Thuỵ Sĩ, các mạng lưới siêu thị đang cân nhắc yêu cầu khách hàng rửa tay và mang mặt nạ khi vào mua sắm. "Chúng tôi có thể áp dụng biện pháp này nhanh chóng”, Urs Peter Naef, phát ngôn viên mạng lưới siêu thị lớn nhất Thuỵ Sĩ, Migros, khẳng định.

Trung Quốc thì áp dụng biện pháp cách ly với bất cứ du khách nào có biểu hiện nghi ngờ. Hàng trăm người Mỹ, Anh và học sinh nước ngoài đã bị “phong toả” trong các khách sạn chỉ vì có các biểu hiện nghi ngờ.

Quan chức y tế Trung Quốc sử dụng máy đo nhiệt kiểm tra hành khách trên máy bay. Nếu một hành khách có biểu hiện của cúm, bất kỳ ai ngồi trong phạm vi ba hàng ghế lân cận sẽ có yêu cầu cách ly và chỉ được tự do bảy ngày sau đó.

Tại Anh, quan chức y tế thậm chí còn khuyến cáo phụ nữ hoãn kế hoạch có con khi đại dịch lây lan toàn cầu, khiến nhiều người lên tiếng chế nhạo bởi dịch cúm có thể kéo dài vài năm.

Biện pháp khả thi đóng cửa trường học cũng phải không có các rủi ro, đặc biệt là thiệt hại kinh tế khi cha mẹ học sinh buộc phải nghỉ ở nhà để trông nom con cái.

Bộ Giáo dục Pháp đã chuẩn bị sẵn sàng chương trình giáo dục qua đài phát thanh và truyền hình để cho phép các học sinh nghỉ học do trường đóng cửa vẫn theo kịp tiến trình, nhật báo Le Parisien đưa tin.

Kinh nghiệm đóng cửa trường học tại Mỹ thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát có thể là ví dụ tốt nhất cho ngành giáo dục trong cách đối phó với virus H1N1.

Ban đầu, trường học sẽ đóng cửa hai tuần nếu có trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, nhưng khi virus có biểu hiện ôn hoà hơn lo ngại thì họ khuyến cáo cha mẹ giữ học sinh ốm ở nhà. Trường học vẫn đóng cửa nếu có số lớn học sinh, giáo viên mắc bệnh.

Ngoài biện pháp này, một nhóm chuyên gia WHO cũng đang cân nhắc những cách khác bao gồm hoãn các sự kiện tập trung nhiều người như thể thao, hoà nhạc.

Cuối cùng, quyết định làm thế nào để kiểm soát đại dịch vẫn phụ thuộc vào từng điều kiện cụ thể ở mỗi quốc gia.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất