Toilet năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới

Ngày 14/3, hãng tin Mỹ ABC News dẫn nguồn tin ĐH Colorado, Mỹ cho biết đã chế tạo thành công nhà vệ sinh năng lượng mặt trời có thể tái chế chất thải con người thành than sinh học.

Báo cáo cho biết thông qua nhà vệ sinh “không sử dụng nước” này, các chất thải và nước tiểu của con người “sẽ được chuyển hóa” thành “than sinh học có độ xốp cao” phục vụ cho việc nấu ăn.


Toilet năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới - (Ảnh: abcnews.go.com)

“Ngoài ra, than sinh học được chôn trong đất sẽ có tác dụng lưu giữ dinh dưỡng trong lớp đất giúp ích cho canh tác nông nghiệp” - giáo sư kỹ thuật môi trường Karl Linden tại ĐH Colorado nói với ABC News.

Ông Linden cho biết, công trình thiết kế toilet năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới này được Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ 777.000 USD.

Một nhà vệ sinh gia đình có thể sử dụng cho 4-6 người. Trong khi đó, nhà vệ sinh năng lượng mặt trời có thể sử dụng cho nhiều hộ gia đình khi được lắp đặt nơi công cộng.

Toilet năng lượng mặt trời được hoạt động dựa trên 8 gương hấp thụ ánh nắng và dẫn truyền năng lượng mặt trời này qua sợi cáp quang để làm nóng “buồng phản ứng chứa chất thải” với nhiệt độ lên đến 300 độ C. Nhiệt độ này sẽ làm “khử trùng” và từ từ làm cô đặc chất thải và sản phẩm cuối cùng cho ra lò là than sinh học.

Theo indianexpress.com, phát minh toilet năng lượng mặt trời là một giải pháp thiết thực nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhà vệ sinh như hiện nay. Báo cáo tháng 11/2013 của Liên Hiệp quốc cho biết trên thế giới có khoảng 2,5 tỉ người hiện chưa được tiếp cận với hệ thống vệ sinh cải tiến và có tới 1 tỉ người vẫn còn đi vệ sinh bừa bãi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất