Top 8 sự thật bất ngờ về sushi - Món ăn quốc dân của Nhật Bản
Sushi giờ được coi là biểu tượng của ẩm thực xứ sở hoa anh đào, nhưng nguồn gốc của nó lại không phải từ Nhật Bản.
Sự thật bất ngờ về món sushi
- 1. Sushi không có nguồn gốc ở Nhật Bản
- 2. Sushi ban đầu là một món ăn đường phố
- 3. Wasabi thật vô cùng đắt
- 4. Cơm trong sushi từng bị đổ đi
- 5. Từ “sushi” dùng để chỉ cơm
- 6. Rong biển không phải là loại bọc sushi duy nhất
- 7. Miếng nhựa trong hộp sushi mang đi có ý nghĩa nhiều hơn bạn tưởng
- 8. Phụ nữ bị cấm làm đầu bếp sushi
Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, mọi người đều nghĩ đến ngay món đại diện là sushi. Sushi hiện đã trở thành một món ăn được yêu thích toàn cầu. Thế nhưng không phải ai từng ăn, thậm chí mê món sushi đều biết nguồn gốc và những sự thật thú vị về nó:
1. Sushi không có nguồn gốc ở Nhật Bản
Nhiều ý kiến cho rằng sushi có nguồn gốc từ Đông Nam Á.
Dù là món ẩm thực “quốc dân” của xứ sở Phù Tang nhưng nhiều ý kiến cho rằng nguồn gốc ban đầu của sushi không phải từ đây, mà là ở Đông Nam Á.
Người ta tin rằng “narezushi” (cá lên men bọc trong cơm chua) đã xuất hiện ở đâu đó dọc theo sông Mekong trước khi đến Trung Quốc và cuối cùng là Nhật Bản. Tất nhiên, người Nhật mới có công phổ biến và biến món sushi thành cả một nền văn hóa. Sushi mà chúng ta quen thuộc ngày nay bắt nguồn từ một đầu bếp tên Hanaya Yohei ở Nhật Bản vào cuối thời kỳ Edo vào khoảng giữa những năm 1800.
2. Sushi ban đầu là một món ăn đường phố
Khi mới xuất hiện, sushi chỉ là món ăn bình dân giá rẻ.
Ngày nay, sushi là món ăn “sang chảnh” được bán tại các nhà hàng cao cấp. Thế nhưng khi mới xuất hiện ở Nhật Bản, đây chỉ là một món ăn bình dân giá rẻ thường được bán ở các sạp trên đường phố.
“Vị thế” của sushi đã thay đổi sau một… trận động đất. Trận động đất năm 1923 tại Nhật đã khiến sushi trở nên phổ biến. Lý do là những người bán sushi rong đã có thể mua nhà hàng và phục vụ sushi vì giá bất động sản xuống thấp kỷ lục. Việc nhiều hàng sushi mở ra giúp món ăn tiếp cận được với lượng khách đông đảo hơn nhiều so với phục vụ bên lề đường.
3. Wasabi thật vô cùng đắt
Cây wasabi thật vô cùng đắt đỏ.
Wasabi là gia vị ăn kèm không thể thiếu của sushi. Nhưng hầu hết loại wasabi bạn được phục vụ trong nhà hàng không phải là wasabi nguyên bản thực thụ. Trên thực tế, chúng chủ yếu là bột cải ngựa và mù tạt đã được tô màu xanh để trông giống như thật.
Cây wasabi thật vô cùng đắt đỏ. Nhiều nhà hàng bán wasabi nguyên bản còn tính thêm phí nếu khách gọi gia vị này.
4. Cơm trong sushi từng bị đổ đi
Khi mới ra đời, đặc trưng của nó là có cơm được bọc cùng với cá.
Khi sushi được phát minh, đặc trưng của nó là có cơm được bọc cùng với cá. Nhưng ban đầu, phần cơm này không phải để ăn mà nhiệm vụ của nó là mang lại hương vị độc đáo, bảo quản miếng cá và bảo vệ nó khỏi côn trùng. Khi ăn, người ta sẽ bỏ phần cơm đi. Sau đó, vì thấy cách ăn như vậy quá lãng phí nên mọi người bắt đầu ăn cả phần cơm.
5. Từ “sushi” dùng để chỉ cơm
Nhiều người tỏ ra hơi khó hiểu khi được phục vụ món sushi không bao gồm cá hay đồ kèm bên trên cơm. Thực tế, dù chỉ là miếng cơm trộn giấm thì đó vẫn gọi là sushi vì từ sushi thực sự dùng để chỉ miếng cơm mà thôi.
6. Rong biển không phải là loại bọc sushi duy nhất
Ngoài rong biển thì trứng, dưa chuột cắt mỏng hay bơ cũng có thể dùng để bọc sushi.
Trong khi rong biển là thành phần phổ biến nhất được sử dụng làm màng bọc cho sushi, thì có những thứ khác cũng có thể được sử dụng như trứng, dưa chuột cắt lát mỏng, bơ hay thậm chí đậu nành. Nếu không phải fan của rong biển thì bạn có thể thử các lựa chọn thay thế này.
7. Miếng nhựa trong hộp sushi mang đi có ý nghĩa nhiều hơn bạn tưởng
Miếng nhựa màu xanh này được dùng để bảo vệ hương vị tự nhiên của các thành phần và ngăn bị lẫn mùi.
Chúng ta thường thấy những miếng nhựa màu xanh như cỏ giả trong các hộp sushi bán mang đi. Nó không phải đơn giản chỉ để trang trí hay ngăn cách giữa các miếng sushi.
Đặt lá vào giữa các loại thực phẩm như cá và gạo là một tập tục hàng thế kỷ trong ẩm thực Nhật Bản. Đây được gọi là haran và nó được dùng để bảo vệ hương vị tự nhiên của các thành phần và ngăn bị lẫn mùi.
Ngày nay, các đầu bếp Nhật Bản sử dụng lá tre. Những loại lá này không chỉ ngăn sự phát tán của mùi hương mà còn làm chậm sự phát triển của vi khuẩn, giúp cá tươi lâu hơn. Ở các nước khác, miếng nhựa được sử dụng.
8. Phụ nữ bị cấm làm đầu bếp sushi
Có nhiều lý do khiến phụ nữ không được đứng sau quần sushi chứ không phải tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Để đạt được danh hiệu bậc thầy sushi, các đầu bếp có thể mất đến 10 năm. Nhưng nếu bạn là phụ nữ thì có thể vĩnh viễn cũng không được.
Nhiều nhà hàng truyền thống tại Nhật Bản đến nay vẫn cấm phụ nữ đứng sau quầy sushi vì một số lý do mà không phải vì tư tưởng trọng nam khinh nữ thời phong kiến.
Đầu tiên, người ta tin rằng đầu tóc và đồ trang điểm của phụ nữ sẽ làm thay đổi hương vị và mùi của sushi.
Thứ hai, phụ nữ có ngày "đèn đỏ". Để trở thành bậc thầy sushi, bạn cần có vị giác thật ổn định và nhất quán. Trong khi phụ nữ có thể có những ngày nhiệt độ cơ thể cao hơn và mất cân bằng vị giác.
Tất nhiên, trong thời hiện đại này, một số nhà hàng cao cấp ở Nhật hiện cũng bắt đầu đào tạo phụ nữ trở thành bậc thầy sushi.
- 6 mối nguy tiềm ẩn có thể xảy ra khi ăn đồ sống như sushi, sashimi
- Món sushi lẫy lừng thế giới và sự ra đời tình cờ
- 8 điều cần biết khi ăn sushi