TP HCM dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu
AFP cho biết, trong trong một hội nghị về giảm nhẹ nguy cơ thiên tai của các bộ trưởng châu Á tại thành phố Incheon của Hàn Quốc hôm 26/10, John Roome, giám đốc WB tại Đông Á, cảnh báo hàng triệu người nghèo ở châu Á sẽ gánh chịu hậu quả của các thảm họa do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa quá nhanh.
“Cái giá mà người nghèo phải trả cho thiên tai chính là mạng sống của họ”, ông Roome phát biểu.
Năm ngoái ông Roome từng khẳng định trong một bài phát biểu rằng 6 trong số 10 nước có tỷ lệ tử vong và tổn thất tổng sản phẩm quốc nội cao nhất nằm ở châu Á. Từ năm 1997 tới nay, 82% số người chết vì thiên tai thuộc về nhóm 10 nước này.
“Biến đổi khí hậu, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chưa từng có, khiến tác động của các thảm họa ngày càng trở nên khủng khiếp hơn. Tần suất và sức phá hoại của các thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu đã tăng gấp 4 lần trong hai thập kỷ qua”, Roome nói.
Dẫn một kết quả nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Roome thông báo châu Á là nơi có 6 trong số 10 thành phố dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Đó là Quảng Châu và Thượng Hải (Trung Quốc), TP HCM, Mumbai, Kolkata (Ấn Độ) và Osaka (Nhật Bản).
“Chẳng hạn, nếu các biện pháp cần thiết không được thực thi tại Bangladesh, thiệt hại do một siêu bão gây nên có thể tăng gấp 5 lần và lên tới hơn 9 tỷ USD trước năm 2050, trong đó các hộ gia đình nghèo hứng chịu hậu quả nặng nề nhất”, ông nói.
Theo Roome, một nghiên cứu của WB cho thấy nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2050, thế giới sẽ mất khoảng 75 tới 100 tỷ USD để thích nghi với nền nhiệt mới. Đông Á và các nước xung quanh Thái Bình Dương sẽ phải chi nhiều tiền nhất. Phần lớn khoản tiền đó sẽ được sử dụng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống cung cấp nước và chống lũ.
Roome cho rằng các thành phố châu Á có thể giảm nguy cơ xảy ra thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu bằng cách nâng cao điều kiện sống của dân nghèo, loại bỏ những khu nhà ổ chuột và đưa những chương trình phát triển kinh tế tới từng cộng đồng dân cư. Các thành phố cũng nên thúc đẩy việc sử dụng đất hợp lý, đầu tư vào các hệ thống cảnh báo thiên tai và tạo mọi điều kiện để người dân có thể tiếp cận dễ dàng thông tin về nguy cơ thiên tai.