Trái đất có hàng nghìn mặt trăng "nhí"

Có hàng nghìn mặt trăng mini đang quay quanh Trái đất, theo một nghiên cứu trên mô hình siêu máy tính của các nhà khoa học thuộc Đại học Hawaii (Mỹ).

>>> Video: Sự hình thành của Mặt Trăng

Các nhà khoa học đã tiến hành dựng mô hình siêu máy tính để theo dõi quỹ đạo bay của 10 triệu thiên thạch bay qua Hệ Trái đất - Mặt trăng. Những thiên thạch quay quanh Mặt trời với quỹ đạo giống với Trái đất thường bị hút thành mặt trăng mini của Trái đất.


Có hàng nghìn mặt trăng mini quay quanh Trái đất

“Chúng tôi theo dõi chính xác chuyển động của các thiên thạch - bao gồm ảnh hưởng của lực hút từ Mặt trời và tất cả các hành tinh khác cũng như các thiên thạch lớn trong Hệ Mặt trời - và phát hiện 18.000 thiên thạch đã bị cuốn vào quỹ đạo quanh Trái đất”, tiến sĩ Robert Jedicke, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trên National Geographic.

Các nhà khoa học ước tính luôn có 1 hoặc 2 mặt trăng mini có kích thước bằng máy giặt và khoảng 1.000 mặt trăng mini có kích lớn hơn quả bóng chày quay quanh quỹ đạo Trái đất tại bất cứ thời điểm nào.

Mô hình trên máy vi tính cũng cho thấy, phần lớn các mặt trăng mini quay quanh Trái đất trong thời gian dưới 1 năm trước khi chúng quay trở lại quỹ đạo quanh Mặt trời hoặc lao vào bầu khí quyển của Trái đất. Vì thế, một số sao băng có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm có thể là các mặt trăng mini rơi xuống Trái đất.

Mặc dù theo mô hình máy tính, có hàng nghìn mặt trăng mini quay quanh Trái đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, rất khó quan sát chúng, trên thực tế, do chúng có kích thước tương đối nhỏ và mờ. Ngoài ra, mặt trăng mini chịu ảnh hưởng của lực hấp dẫn, nên tốc độ bay của chúng rất nhanh.

“Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng tìm ra cách sử dụng các khảo sát thiên văn để quan sát mặt trăng mini thường xuyên hơn. Ví dụ, những mặt trăng mini có kích thước lớn có thể được quan sát bằng kính thiên văn có đường kính 20cm”, tiến sĩ Robert Jedicke cho biết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất