Trái đất nóng lên làm thay đổi dòng chảy các đại dương
Thời kỳ nhiệt độ bề mặt Trái Đất nóng lên từ cách đây 55 triệu năm là nguyên nhân chính làm thay đổi của các dòng chảy đại dương. Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu Mỹ.
Toàn bộ hệ thống các dòng chảy này chỉ "đi" được nửa chặng đường của nó rồi quay trở lại.
Trước thời kỳ nhiệt độ Trái Đất tăng, các dòng chảy tầng thấp ở đại dương "quay đầu" ở Nam bán cầu, nhưng trong suốt 40.000 năm sau, khi nhiệt độ Trái Đất tăng, các dòng chảy đã không chảy tới Nam bán cầu mà lộn trở lại ngay ở Bắc bán cầu.
Gần 100.000 năm sau chúng mới lưu thông trở lại bình thường.
Hiện chưa rõ nguyên nhân làm Trái Đất nóng lên ở thời kỳ này. Trong số các giả thuyết được đưa ra, các nhà khoa học lưu ý nhất đến những vết tích của hàng loạt vụ núi lửa phun trào làm thoát ra hàng nghìn tỷ tấn dioxid carbon (CO2).
Phát hiện này có tầm quan trọng đặc biệt, mặc dù đã xảy ra cách đây hàng chục triệu năm, nhưng bài học của nó đến nay vẫn còn mới. Các nhà khoa học đã có thêm một bằng chứng cho thấy con người sẽ tiếp tục hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng của việc thải bừa bãi khí CO2 vào khí quyển do sử dụng năng lượng hoá thạch.
Nghiên cứu này củng cố cho một phát hiện trước đây, được công bố hồi tháng 11/2005 cho rằng khí hậu nóng lên đang làm chậm tốc độ lưu thông của dòng chảy Gulf Stream ở Đại Tây Dương trong khi nhờ dòng chảy này mà trước nay Tây Âu có khí hậu ôn hoà hơn.
Theo số liệu mới nhất của nhóm chuyên giá khí hậu của Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2100, nhiệt độ bề mặt Trái Đất có thể tăng 1,4 - 5,8oC so với năm 1990.