Trái đất tăng 4 độ C, Việt Nam thiệt hại đủ đường
Ngân hàng Thế giới(WB) công bố báo cáo cho biết, nhiệt độ trái đất tăng lên 4 độ C, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.
>>> Giảm thiểu tác động của môi trường ở sông Mekong
Báo cáo mới được công bố tại Washington ngày 20/6 đã xem xét các tác động có thể xảy ra khi nhiệt độ tăng lên như hiện nay (0,8°C), 2°C và 4°C lên sản xuất nông nghiệp, nguồn nước, các hệ sinh thái vùng duyên hải, và các thành phố ở khu vực cận Sahara châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á. Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Papua New Guinea, Philippine, Singapore, Thailand, Timor-Leste.
Ở Việt Nam, một số ảnh hưởng lớn nhất sẽ là lũ lụt ở khu vực đô thị do tác động của nước biển xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Mekong. WB đang làm việc với chính phủ Việt Nam trong hàng loạt các hoạt động chính sách nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và đang thảo luận các chương trình tại thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Mekong để giải quyết các mối đe dọa này.
Người dân chăm sóc trâu dưới nước trong trận lụt tại Đồng Tháp năm 2005. (Ảnh: WB)
Báo cáo tổng hợp những tài liệu mới nhất đã được đánh giá kỹ càng và được bổ sung thêm các mô hình tình huống. Báo cáo trình bày hai kịch bản: nhiệt độ tăng lên cực điểm 4ºC và một mức vừa phải là 2ºC. Báo cáo cho thấy nhiệt độ trái đất ấm lên đang gia tăng đe dọa đến tình trạng sức khỏe và sinh kế của những người dễ bị ảnh hưởng như thế nào. Các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, nhiệt độ tăng cùng cực, các cơn bão nhiệt đới với cường độ ngày càng mạnh, đại dương ấm lên và acid hóa bởi khu vực này bao gồm nhiều quần đảo nằm trong vành đai bão nhiệt đới và có mật độ dân số vùng duyên hải khá cao.
Báo cáo dự đoán việc nước biển dâng cao thêm 50cm vào những năm 2050 chắc không thể tránh khỏi do hậu quả của các chất thải trong quá khứ, và trong một vài trường hợp, tác động có thể xảy ra sớm hơn. Điều này sẽ gây ra hậu quả tàn phá nặng nề hơn, làm cho những cánh đồng bị ngập lụt trong thời gian dài hơn, và những vùng châu thổ ngập nước với những cánh đồng và nguồn nước uống bị xâm mặn. Báo cáo cũng tính toán rằng các trận bão sẽ tăng về cường độ (cấp 4 và 5).
Ba vùng châu thổ sông Mekong, sông Irrawaddy và sông Chao Phraya - tất cả những diện tích đất quan trọng nằm dưới 2m so với mực nước biển – đặc biệt bị nguy hiểm. Nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, và du lịch là những ngành dễ bị tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu ở những vùng đồng bằng này. Các thành phố vùng duyên hải, với sự tập trung dày đặc về mật độ dân số và tài sản vật chất, cũng đang bị đặt trước nguy cơ những cơn bão cường độ mạnh, nước biển dâng trong thời gian dài, và những trận bão ven biển bất ngờ. Thành phố Bangkok, Hồ Chí Minh, Jakarta, Manila, và Yangon là những thành phố được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo WB, vùng đồng bằng sông Mekong sản xuất khoảng 50% tổng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam và đóng góp chủ yếu vào xuất khẩu gạo của quốc gia này. Nước biển dâng 30cm, có thể xảy ra sớm vào năm 2040, có thể gây thiệt hại khoảng 12% sản lượng gạo.
Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết: “Báo cáo này trình bày một kịch bản ở mức báo động cho những tháng năm sắp tới – những điều chúng ta có thể phải đối mặt trong cuộc sống". Ông nói thêm: “Các nhà khoa học cho biết nếu trái đất ấm lên thêm 2ºC nữa – có thể sẽ đến trong vòng 20 đến 30 năm nữa – sẽ gây hệ lụy là thiếu lượng thực trên diện rộng, những luồng nóng chưa từng có sẽ xảy ra, và những trận lốc xoáy cường độ mạnh hơn. Trong tương lai gần, biến đổi khí hậu, đã và đang xảy ra, có thể sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống và hi vọng của nhiếu cá nhân và gia đình mà họ lại không phải là nguyên nhân nhiệt độ Trái đất tăng lên".
Ông van Trotsenburg- Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho rằng: “Các quốc gia cần được hỗ trợ để định hướng lại các kế hoạch phát triển, theo đó biến đổi khí hậu sẽ là một nhân tố trong quá trình lập kế hoạch dựa vào những nỗ lực đang được thực hiện. Chính phủ Việt Nam đã tìm kiếm sự hỗ trợ của WB trong việc ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu và cơ hội thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển sang tăng trưởng carbon thấp".