Trạm nghiên cứu ở nơi tận cùng thế giới

Các nhà khoa học tại trạm nghiên cứu Ny-Ålesund gần Bắc Cực không chỉ phải chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt đôi khi xuống đến -58 độ C mà còn phải sẵn sàng đối mặt với những con gấu Bắc Cực nguy hiểm.


Thị trấn Ny-Ålesund ở Bắc Băng Dương được xem là vùng đất có người sinh sống gần cực Bắc nhất. Trước đây, thị trấn nằm trên quần đảo Svalbard của Na Uy chuyên khai thác mỏ, nhưng giờ đây nó là trạm nghiên cứu Bắc Cực lớn nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu sống ở đây tiến hành các nghiên cứu về môi trường Trái Đất quanh năm.


Để giữ gìn môi trường tự nhiên xung quanh, chính quyền địa phương cấm người dân đến khu vực này, trừ các nhà khoa học và nhân viên trạm nghiên cứu. Phóng viên ảnh Anna Filipova được cấp phép đến trạm nghiên cứu xa xôi này, theo Business Insider.


"Tôi rất ngạc nhiên và bối rối khi biết mình phải vượt qua một khóa học an toàn về súng trước khi đến nơi này, phòng trường hợp chạm trán gấu Bắc Cực",
Filipova cho biết. Gấc Bắc cực cư trú và sinh sản ở Svalbard, theo Viện Địa cực Na Uy. Vào mùa hè, những con gấu thường đến gần và thậm chí đi vào khu nghiên cứu.

Trạm nghiên cứu ở nơi tận cùng thế giới
Bất chấp môi trường khắc nghiệt và nguy cơ từ gấu Bắc Cực, Filipova trở về an toàn từ Ny-Ålesund với những bức ảnh tuyệt đẹp trong bộ ảnh mang tên "Nghiên cứu ở nơi tận cùng thế giới".


"Bắc Cực là một trong những nơi hấp dẫn nhất Trái Đất, nhưng cũng là một trong trong những nơi nguy hiểm nhất"
, Filipova nói. "Bắc Cực liên tục di chuyển, thay đổi, tan chảy, tái tạo, xuất hiện và biến mất". Đây là lý do tại sao nơi này trở thành vị trí đắc địa cho các nhà khoa học quan sát và nghiên cứu về tình trạng nóng lên toàn cầu. Dù thị trấn nằm cách biệt với nền văn minh nhân loại, nó vẫn bị đe dọa bởi không khí ô nhiễm từ châu Âu và Bắc Mỹ được vòng tuần hoàn khí quyển đưa tới.


"Từ ngày tới đây, tôi lập tức bị thu hút"
, Filipova cho biết. "Tất cả mọi thứ ở nơi này đều được thiết kế để xác định, đánh giá và theo dõi những thay đổi môi trường". Filipova có dịp trải nghiệm thời tiết vô cùng khắc nghiệt với nhiệt độ dao động từ -10 đến -58 độ C. "Thời tiết thay đổi, xóa đi, tái tạo hoặc che giấu hẳn vùng đất", Filipova nói.

Trạm nghiên cứu ở nơi tận cùng thế giới
Theo Filipova, cần có "tinh thần thép" để chịu đựng điều kiện khắc nghiệt nơi này. "Những người chọn đến đây khác hẳn với các nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm ấm cúng", Filipova chia sẻ. Những nhà nghiên cứu tại đây đến từ khắp nơi trên thế giới để làm việc với lòng can đảm và tinh thần cống hiến cao cả. Một số phải dùng xe trượt tuyết để lấy mẫu nước đá và tuyết từ các dòng sông băng, trong khi những người khác phải làm việc trong sự cô lập hoàn toàn.


Các nhà nghiên cứu cũng phải thích nghi với các mùa ở Bắc Cực. Ở một số thời điểm trong năm, Mặt Trời không bao giờ lặn, và trong phần lớn mùa đông, Mặt Trời không bao giờ mọc. Màn đêm bao phủ nhiều tháng cuối mùa. Một thạc sĩ người Italy mà Filipova gặp mặt thường phải đi bộ nhiều cây số một mình trong bóng tối lạnh lẽo đầy băng tuyết của vùng đất hoang dã này để thay đổi bộ lọc của thiết bị nghiên cứu. "Cô ấy chỉ nhìn được trong phạm vi 2-3 mét và phải mang theo một khẩu súng trường phòng trường hợp gặp gấu", Filipova kể.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất