Trận lũ quét vô tình làm lộ "kho báu trời cho": Hiếm có đến mức gây chấn động Trung Quốc và thế giới!
Tưởng chỉ là những hòn đá bình thường, lão nông đem bán nó với cái giá rất rẻ mạt. Lão không hề hay biết rằng đó là "bảo vật quốc gia", là "kho báu" đối với các nhà khảo cổ học, chuyên gia lịch sử. Phát hiện này còn gây chấn động Trung Quốc thời đó.
Vô tình tìm thấy "kho báu quốc gia" hiếm có tại Trung Quốc
Chuyện kể rằng, khi một huyện vùng núi ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hứng chịu một trận lũ quét lớn, rất nhiều đất đá từ trên núi Thanh Long đổ xuống khiến những cánh đồng cam của người nông dân ngổn ngang, thiệt hại rất lớn.
Vài ngày sau khi mọi việc bình thường trở lại, lão nông tên là Chu Thiên Nhất cùng bà con ra đồng cam chăm sóc, dọn dẹp.
Sau những nhát cuốc đầu tiên, Chu Thiên Nhất nhìn thấy hòn đá kỳ lạ hình bầu dục, to như cái bát tô, màu trắng sữa nhưng lại không nặng chút nào.
Ảnh: Sohu
Lão nông nọ thấy những hòn đá này lạ mắt và thu thập chúng mang về nhà. Bẵng đi một thời gian, Chu Thiên Nhất quên mất sự tồn tại của chúng.
Một năm sau, vào năm 1996, một thương lái ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đến làng của Chu Thiên Nhất để thu mua cam. Không may, xe của này bị kẹt trong hố bùn. Chu Thiên Nhất đột nhiên nghĩ đến đống đá kỳ lạ ở nhà, liền chạy về nhà lấy ra một ít đặt dưới lốp ô tô.
Vốn tinh ranh, người thương lái nọ đã sớm biết đây là loại đá không hề bình thường và lấy trộm một ít mang về. Không lâu sau, thương lái quay lại làng nhưng lần này mục tiêu mua của anh ta là những hòn đá lạ. Anh ta đã thương lượng với Chu Thiên Nhất và mua mỗi viên với giá 70 xu.
Thấy việc bán đá thu được một món tiền, Chu Thiên Nhất về nhà gom tất cả các hòn đá mà mình nhặt được đem đổi lấy khoản tiền kha khá.
Tin tức này nhanh chóng truyền khắp làng. Dân làng thấy vậy liền mang cuốc lên núi tìm đá lạ để bán cho thương lái.
Một cán bộ trong làng sinh nghi ngờ và đem câu chuyện này báo với các chuyên gia thuộc Bộ phận Di tích văn hóa xã rằng có người đang mua "trứng địa phương" (như dân làng gọi).
Bộ phận Di tích văn hóa xã liền thông tin cho chuyên gia của Cục Di tích Văn hóa - tên là Vương Chính Hoa - đến hiện trường tìm hiểu sự việc.
Bằng con mắt lành nghề, vị này tái mặt nói cho dân làng biết rằng: "Đây chính là hóa thạch trứng khủng long, là bảo vật quốc gia!".
Sau khi đội khảo cổ đến hiện trường, họ tìm thấy dấu vết của một số tổ khủng long được hình thành bằng đá bùn đỏ, xung quanh có rất nhiều mảnh vỏ trứng.
Phát hiện gây chấn động thế giới
Bằng cách này, một phát hiện gây chấn động cả Trung Quốc và thế giới đã được thông tỏ: "Hóa thạch trứng khủng long xuất hiện ở Hồ Bắc".
Theo phép đo và nhận dạng của các chuyên gia, những hóa thạch trứng khủng long này được xác định có nguồn gốc từ hệ tầng Hugeng vào thời kỳ cuối kỷ Phấn trắng của kỷ nguyên Mesozoi (Đại Trung sinh), có niên đại từ 67 triệu đến 135 triệu năm trước.
Những hóa thạch trứng khủng long được bảo vệ như "kho báu quốc gia". (Ảnh: Website tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Tiến hành khảo cổ sâu thêm nữa, các chuyên gia phát hiện vùng diện tích chứa hóa thạch trứng khủng long lên tới 4,2km2. Tất cả các ổ trứng được đẻ bởi ít nhất 5 loài khủng long khác nhau. Đây là quần thể hóa thạch trứng khủng long có sự phân bố tập trung nhất, đa dạng nhất và có số lượng lớn nhất Trung Quốc tính vào thời điểm đó.
Vào cuối tháng 7 năm 1997, ba hóa thạch bộ xương khủng long Ornithopod từ cuối kỷ Phấn trắng, khoảng 70 triệu năm trước, đã được phát hiện tại ngôi làng cách núi Thanh Long 55 km. Sau khi được tiết lộ, nó một lần nữa gây chấn động Trung Quốc và thế giới. 2 phát hiện lớn biến Hồ Bắc trở thành địa danh duy nhất trên thế giới tìm thấy cả hoá thạch trứng và xương khủng long.
Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết, kể từ khi nhóm hóa thạch trứng khủng long Hồ Bắc được phát hiện vào đầu năm 1995, nó đã được rất nhiều chuyên gia đầu ngành từ Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc (Vũ Hán), Bảo tàng Địa chất Quốc gia, Viện Cổ sinh vật có xương sống, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc... đến kiểm tra và xác định.
CAS cho biết, quần thể hóa thạch trứng khủng long này là một di sản địa chất quý hiếm và không thể tái tạo.
Sau khi tin tức về "bảo vật quốc gia" bị tiết lộ, giá của mỗi quả trứng khủng long hóa thạch trên thị trường chợ đen tăng chóng mặt: Từ 70 xu lên 800 NDT mỗi quả.
Vì nhu cầu mua cao đã thúc đẩy nạn đào trộm trứng khủng long hóa thạch, bất chấp những nỗ lực bảo vệ hiện trường của các chuyên gia khảo cổ. Bọn trộm hoạt động rất tinh vi, thường đến đêm mới tiến hành đào trộm.
Để khắc phục điều này, chính quyền Hồ Bắc đã thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên hóa thạch khủng long Thanh Long Sơn và xây dựng một hàng rào bao quanh.
Bảo tàng khủng long. (Ảnh: Sohu).
Hóa thạch trứng khủng long được cất giữ và trưng bày tại Bảo tàng khủng long. (Ảnh: Website tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Website chính thức của tỉnh Hồ Bắc thông tin, Khu bảo tồn Thanh Long Sơn là khu vực bị ảnh hưởng bởi nhiều quá trình kiến tạo và biến chất nhiệt, từ đó hình thành đỉnh núi dốc, suối, thác nước, hoa và thực vật kỳ lạ và nhiều hang động tự nhiên cùng những di tích địa chất giàu ý nghĩa.
Theo khảo sát mới nhất của các chuyên gia địa chất có liên quan, chỉ riêng trên bề mặt núi Thanh Long đã có hơn 2.000 hóa thạch trứng khủng long. Có thể nói, tổ hóa thạch trứng khủng long tại Hồ Bắc, Trung Quốc phong phú, đa dạng rất hiếm thấy trên thế giới.
Bên trong Bảo tàng khủng long. (Ảnh: Sohu).
Bởi thế, chính quyền địa phương đã đầu tư 50 triệu NDT để xây Bảo tàng khủng long, diện tích 1.200 mét vuông, gần Thanh Long Sơn. Đây là nơi "kể" cho du khách những câu chuyện thú vị về khủng long trong quá khứ, qua đó, hy vọng tăng nhận thức của người dân về việc bảo tồn hóa thạch trứng khủng long nói riêng, từ đó hạn chế và chấm dứt nạn đào trộm trứng hóa thạch.
Hiện, các chuyên gia Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm kiếm hóa thạch liên quan đến khủng long tại khu vực này.
- Cận cảnh công viên khủng long lớn nhất thế giới
- Trung Quốc: Phát hiện trứng khủng long 130 năm triệu năm vẫn còn nguyên vẹn
- Trung Quốc phát hiện ổ trứng của loài khủng long chưa từng được biết đến