Tranh cãi quanh vai trò đời thực của Chúa Jesus
Nhiều học giả tin rằng Jesus Christ có thực trong lịch sử, nhưng vai trò thực tế của ông vẫn đang gây nhiều tranh cãi.
Theo Express, nhiều học giả trên thế giới đồng ý rằng Jesus là một nhân vật có thật nhưng không phải được các đấng siêu nhiên gửi xuống Trái Đất.
Thay vào đó, họ đã đặt các mảnh ghép lại với nhau để có một câu chuyện hợp lý và mang tính khoa học hơn về cuộc đời của Chúa Jesus.
Hầu hết các tôn giáo khác – đạo Hồi, đạo Do Thái, đạo Hindu đều đề cập đến Chúa Jesus theo một hình thức nào đó, nhưng mỗi tôn giáo lại có cách lý giải khác nhau về cuộc đời và số phận ông.
Tuy nhiên, ngoài các văn bản tôn giáo, bằng chứng về những phép lạ của Chúa Jesus rất ít và không rõ ràng.
Tác phẩm được viết vào thế kỷ thứ nhất, "Cuộc chiến của những người Do Thái" của Josephus, học giả và sử gia Do Thái – La Mã, đã đề cập tới Jesus và cả người anh em của ông vài lần.
Bức tượng Chúa Cứu Thế ở Rio De Janeiro, Brazil. (Ảnh: Wikipedia).
Có một đoạn văn trong đó nhắc tới cuộc hành hình của "James, người anh em của Jesus, được gọi là Chúa/Đấng Cứu Thế".
Sau khi James bị hành hình, hài cốt của ông được đặt vào quan tài đá đem chôn. Đây là cách an táng thường được sử dụng vào trong khoảng năm 20 trước Công Nguyên tới năm 70.
Quan tài đá này đã được tìm thấy vào năm 2002 với dòng chữ viết bằng tiếng Aramaic: "James, con trai của Joseph, anh em của Jesus", dù tính xác thực của nó vẫn đang gây tranh cãi.
"Chúng tôi biết một số điều về Chúa Jesus, ít hơn những người theo Thiên Chúa giáo nghĩ nhưng nhiều hơn những người hoài nghi tưởng", Marcus Borg, giáo sư giảng dạy môn tôn giáo và lịch sử ở đại học bang Oregon, Mỹ, cho biết.
"Dù vài cuốn sách xuất bản gần đây cho rằng Chúa Jesus không tồn tại, các bằng chứng ông có thật đã thuyết phục được đại đa số các học giả, cả theo và không theo Thiên Chúa giáo", ông nói.
Mặc dù là người kiến tạo một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, ban đầu Jesus được cho là không muốn tạo dựng một tôn giáo mới, mà muốn cống hiến cuộc đời mình cho một phong trào bên trong đạo Do Thái, một tôn giáo mà ông tôn thờ. Ông được cho là đã thực hiện công việc thuyết giáo chủ yếu thông qua các hình thức chữa bệnh.
Tuy nhiên, người La Mã cai trị vùng Judea vào thời điểm đó không hiểu rõ giá trị của việc làm này, và quyết định xử tử ông.
Trong một đoạn văn khác, Josephus viết: "Thời đó có một con người thông minh tên là Jesus. Ngài có hành vi và đạo đức tốt. Và rất nhiều người Do Thái cũng như các quốc gia khác đã trở thành môn đệ của Ngài. Pilate (quan tổng trấn vùng Judea) đã kết án Ngài bị đóng đinh đến chết nhưng những môn đệ của Ngài đã không từ bỏ Ngài".
Sau khi chết, Jesus mới được gọi là "Đấng Cứu Thế" (Messiah) và Borg tin rằng đây là lúc mà các câu chuyện về Jesus bắt đầu được huyền thoại hóa.
"Về mặt lịch sử, ông ấy không "chết vì tội lỗi của thế giới" mà là bị giết bởi các thế lực cai trị", Borg nói.
Ông cũng cho rằng, có thể Jesus tự coi mình là một nhà tiên tri, nhưng những danh xưng như "Đấng Cứu Thế, Con trai Thiên Chúa". Chúa là do các môn đồ sau này đặt ra, với ý nghĩa Jesus đã bước vào cuộc đời họ.
Tuy nhiên cũng có một số quan điểm bác bỏ hoàn toàn sự tồn tại của Jesus.
Học giả về Kinh Thánh Joseph Atwill tin rằng người đàn ông và câu chuyện đằng sau Chúa Jesus là một trò lừa bịp được chính quyền La Mã dựng lên để kiểm soát người dân.
Ban đầu Jesus được cho là không muốn tạo dựng một tôn giáo mới.
Trong một bài viết tại website của mình, Atwill viết: "Thiên Chúa giáo có thể được coi là một tôn giáo, nhưng thực ra nó được phát triển và sử dụng như một hệ thống kiểm soát tinh thần để các nô lệ tin rằng Đức Chúa Trời đặt ra chế độ nô lệ".
Học giả này cho rằng vào thời điểm đó, các giáo phái Do Thái ở Palestine đang chờ đợi một "Chiến binh cứu thế", một vấn đề ngày càng nghiêm trọng sau khi Đế chế La Mã không thể giải quyết bằng các biện pháp truyền thống.
Kết quả là, tầng lớp lãnh đạo phải viện đến chiến tranh tâm lý, cho người dân những cái họ muốn, nhằm đảm bảo họ vẫn tuân thủ luật lệ.
"Họ cho rằng có thể ngăn chặn sự mở rộng hoạt động truyền giáo của người Do Thái bằng cách tạo ra một hệ thống đức tin cạnh tranh. Đó là lúc mà câu chuyện về Đấng Cứu Thế được sáng tác ra", ông cho biết.
"Thay vì tạo cảm hứng cho chiến tranh, Đấng Cứu Thế này đã thúc đẩy chủ nghĩa hòa bình và khuyến khích người Do Thái "phục tùng Caesar" và đóng thuế cho Rome".