Tranh cãi về sự sống ở Chernobyl

Sau 20 năm xảy ra thảm họa hạt nhân, mức độ phóng xạ tại Chernobyl khiến các loài côn trùng phải tránh xa khu vực này. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng động vật đã tiến hóa để thích nghi với môi trường ô nhiễm.

Theo một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Biology Letters, tại các khu vực hạn chế xung quanh Chernobyl, vẫn có dấu hiệu của sự suy giảm quần thể sinh vật do tác động của phóng xạ.

Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng hầu hết loài côn trùng phổ biến như ong nghệ, bướm, châu chấu, chuồn chuồn và nhện đều tránh xa các khu vực đã từng bị nhiễm xạ. 


Nghiên cứu trên có sự đóng góp của khá nhiều tên tuổi trong ngành sinh vật học như giáo sư Timothy Mousseau, ĐH Nam Carolina hay tiến sĩ Anders Moller, ĐH Paris-Sud. Trước đấy, họ cũng đã có một nghiên cứu hoàn chỉnh về ảnh hưởng tiêu cực của phóng xạ hoạt độ thấp lên quần thể chim tại đây.

Giáo sư Mousseau cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng đề tài này để nghiên cứu ảnh hưởng của phóng xạ lên cả côn trùng, muông thú và thực vật”. Ông đã nghiên cứu hàng chục năm trong khu vực bị nhiễm xạ quanh tai nạn Chernobyl trước kia. Khu vực này kể từ sau tai nạn đến nay đã không còn dân cư sinh sống.

Phương pháp nghiên cứu được nhóm của giáo sư Mousseau sử dụng gọi là “kỹ thuật sinh thái tiêu chuẩn”. Các nhà nghiên cứu đếm số lượng côn trùng và mạng nhện trên một đường cắt ngang giả định tại khu vực nhiễm xạ đồng thời đo hoạt độ phóng xạ để tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của phóng xạ lên sinh vật.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng cá thể sống tìm được giảm mạnh ở những khu vực hoạt độ tăng. Dựa vào đó, giáo sư Mousseau kết luận, một số loài côn trùng rất mẫn cảm với ô nhiễm phóng xạ.

Tuy nhiên bản báo cáo trên lại vấp phải sự phản đối của giới nghiên cứu địa phương. "Việc không có hoạt động của con người sẽ là động lực khiến quần thể côn trùng tăng lên chứ không phải giảm đi", Giáo sư Sergyi Gashchak, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Chornobyl, Ukraina cho biết. 


Ông khẳng định: “Sinh vật hoang dã đang làm chủ nhân tại Chernobyl do không con người. Khả năng chống chịu và phát triển của chúng đã tiến hóa để có thể sống sót dưới điều kiện phóng xạ chết người tại đây".

Theo một nghiên cứu giáo sư Gashchak, khi mới xảy ra tai nạn, hoạt độ phóng xạ tại đây vượt quá sự chịu đựng của cơ thể sống nhưng sau 10 năm, nó đã giảm đi hàng nghìn lần.

Tuy nhiên, về lý thuyết, các chất gây phóng xạ chính như Radon, Thori có chu kỳ bán rã vào khoảng từ 15 đến 20 năm, còn chất Cesi (đồng vị 137) hay Strontium đồng vị 90 là 30 năm. Do đó, sau 23 năm, lượng phóng xạ chỉ giảm được khoảng 1,5 đến 2 lần. Cũng theo lý thuyết, quá trình giảm ô nhiễm phóng xạ tự nhiên ở Chernobyl cần khoảng thời gian từ 2.000 đến 3.000 năm. 

Thảm hoạ nguyên tử Chernobyl xảy ra vào ngày 26/4/1986 khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraina bị nổ. Đây được coi là vụ tai nạn trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô viết, Đông và Tây Âu, Scandinavi, Anh quốc, và đông Mỹ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất