Tranh luận về những đứa trẻ được tạo ra bởi ba người

Giới chuyên gia về sức khoẻ cộng đồng và đạo đức sinh học ở Anh đang thảo luận công khai về kỹ thuật sinh con từ hai mẹ một bố để ngăn ngừa nguy cơ truyền bệnh từ mẹ sang con.

Cứ 200 trẻ em sinh ra thì có một bé mắc bệnh liên quan tới rối loại ty thể. Ty thể được coi là trung tâm năng lượng, cung cấp năng lượng cho mọi tế bào trong cơ thể. Hầu hết bệnh nhân có ít biểu hiện hoặc không có triệu chứng gì, nhưng nhiều trường hợp các tế bào của cơ thể bị kiệt năng lượng, dẫn tới yếu cơ, mù loà, suy tim và thậm chí một số trường hợp tử vong.

Ty thể được truyền từ trứng của người mẹ sang con và chứa bộ gene riêng, còn bố không truyền ty thể cho con qua tinh trùng. Ý tưởng ngăn ngừa những bệnh liên quan đến rối loạn ty thể là cung cấp thêm ty thể của phụ nữ khoẻ mạnh để truyền cho em bé, Telegraph đưa tin.


Những trẻ được sinh ra từ hai mẹ một bố sẽ không
mắc các bệnh liên quan tới rối loạn ty thể từ mẹ.

Giới khoa học chứng minh phương pháp mới phát huy hiệu quả trong phòng thí nghiệm khi các nhà khoa học sử dụng phôi hoặc trứng của người hiến tặng. Theo kỹ thuật này, trứng của người mẹ và người hiến tặng được tinh trùng của người bố thụ tinh, tạo thành hai phôi thai. Nhân non của cả hai phôi thai - nơi chứa thông tin di truyền - đều được lấy ra, nhưng chỉ nhân non của phôi thai thuộc về bố mẹ được giữ lại. Sau đó, nhân non thuộc về bố mẹ được đưa vào vào phôi thai của người hiến tặng. Cuối cùng, phối thai này được cấy vào tử cung của người mẹ.

Như vậy, em bé được sinh ra mang thông tin di truyền của cả bố mẹ và người hiến tặng. Đây là kỹ thuật biến đổi gene vĩnh viễn, khiến gene biến đổi được truyền qua các thế hệ. Nó có ý nghĩa lớn đối với xã hội vì đây là lần đầu tiên trẻ em được sinh ra từ ba người.

Vấn đề đạo đức được đặt ra là: Những đứa bé được sinh ra sẽ nghĩ gì khi chúng lớn lên? Chúng có nên được biết sự thật hay không? Vai trò của người phụ nữ hiến tặng là gì?

Đây không phải lần đầu tiên những vấn đề như thế này được đưa ra thảo luận. Báo cáo của Hội đồng Đạo đức sinh học Nuffield cho rằng phương pháp này không gây ra vấn đề đạo đức gì đáng kể, nhưng một số chuyên gia cho rằng kỹ thuật này không cần thiết, nguy hiểm và tạo tiền lệ cho việc tạo ra trẻ em biến đổi gene theo ý muốn.

Quá trình thảo luận sẽ kéo dài đến ngày 7/12 năm nay và kết quả sẽ được trình lên các bộ trưởng Anh vào đầu năm sau.

Tại Anh, nghiên cứu kỹ thuật sinh con từ hai mẹ và một bố là hợp pháp, nhưng luật cấm áp dụng đối với người. Nếu kỹ thuật được chấp thuận thì cũng mất vài năm nữa nó mới được áp dụng, vì còn một số vấn đề xung quanh độ an toàn của phương pháp này cần được đánh giá kỹ lưỡng.

Giáo sư Mary Herbert ở Đại học Newcastle tại Anh, một trong những người tiên phong của phương pháp mới, cho biết các thí nghiệm đánh giá độ an toàn và hiệu quả của kỹ thuật mới vẫn đang được tiến hành, và phải mất 3-5 năm nữa mới hoàn thành.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất