Tre có thể giúp làm nguội trái đất
AFP dẫn lời ông Coosje Hoogendoorn, tổng giám đốc INBAR, nói tre là nguồn lực to lớn đối với sự phát triển kinh tế. Loại cây thường xanh đa niên thân gỗ này phân bố rộng rãi ở nhiều nước nghèo nhất thế giới thuộc châu Phi, châu Á và khu vực Mỹ Latinh. Chiều dài thân của tre có thể tăng thêm tới một mét mỗi ngày. Chúng tạo ra thu nhập cho hơn 1,5 tỉ người. Tổng giá trị giao dịch các loại hàng hóa từ tre trên thị trường toàn cầu lên tới 5 tỉ USD mỗi năm.
“Nhà ở bằng tre xuất hiện cách đây nhiều thế kỷ, song nhiều người vẫn chưa hiểu hết tiềm năng của tre và chỉ coi chúng là một loại cây thân gỗ có giá trị thấp. Trên thực tế, tre chịu lực tốt hơn thép, rẻ hơn gỗ, tiêu tốn ít năng lượng hơn trong quá trình chế biến so với xi măng và có thể chịu được động đất”, Alvaro Cabrera, điều phối viên của INBAR tại châu Mỹ Latinh và vùng Caribbe, phát biểu.
INBAR - được thành lập năm 1997 và có trụ sở tại Trung Quốc là một tổ chức liên chính phủ. 36 nước ký kết hiệp định tham gia INBAR nhằm tuyên truyền và thúc đẩy hoạt động thương mại liên quan tới cây tre và mây. Trong bối cảnh vòng đàm phán mới nhất trong khuôn khổ Hội nghị khí hậu do Liên Hợp Quốc chủ trì diễn ra tại thành phố Cancun, Mexico, từ ngày 29/11 tới 10/12, INBAR khuyến nghị lãnh đạo các nước tham gia hội nghị nên dùng tre để hấp thụ bớt khí carbon dioxide (CO2) trong khí quyển. CO2 là một trong những loại khí gây nên hiện tượng ấm lên của địa cầu.
Một nghiên cứu khoa học tháng trước cho thấy, khả năng và tốc độ hấp thụ khí CO2 của một số loài tre có thể sánh ngang với linh sam và bạch đàn.
Ngoài ra, rễ tre còn giúp làm giảm hiện tượng xói mòn đất, ngăn chặn lở đất trên các sườn đồi và bờ sông trong các trận lũ.
Những rừng tre tự nhiên là thiên đường của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có gấu trúc. Tuy nhiên, những đồn điền tre do con người tạo ra lại có thể phá hủy sự đa dạng sinh học.
INBAR cho biết, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam là ba nước cung cấp nhiều tre nhất thế giới.