Trẻ mãi không già nhờ tế bào gốc
Tế bào gốc có thể chặn đứng sự lão hóa, thậm chí là kéo dài tuổi thọ tới ba lần, các nhà khoa học tuyên bố.
>>> Dùng tế bào gốc điều trị bệnh thiếu máu di truyền
Một thí nghiệm mới đây đã chứng minh, chỉ một mũi tiêm tế bào gốc duy nhất đã giúp những con chuột bạch sống lâu gấp ba lần. Ngoài ra, mũi tiêm còn giúp chúng phát triển lớn hơn và khỏe mạnh hơn.
Theo DailyMail, hiệu quả của mũi tiêm thậm chí còn hiện rõ trên những tế bào trong đĩa thí nghiệm, nơi các tế bào gốc trẻ trung được đặt cạnh tế bào đang lão hóa. Kết quả cho thấy, những tế bào yếu, già nua cũng như được “hồi xuân” khi đặt cạnh các tế bào mới khỏe mạnh.
Các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu tế bào gốc có
thể là chìa khóa cho thần dược trẻ mãi không già
Đại học Pittsburgh cũng tiến hành thí nghiệm trên những con chuột đã được biến đổi gene để lão hóa sớm, một hội chứng có tên khoa học là progeria. Căn bệnh này cũng bắt gặp ở người, khi nhiều em bé có gương mặt và hình hài của những cụ già. Khi quan sát tế bào gốc của những con chuột mắc bệnh, các chuyên gia nhận thấy không chỉ ít hơn về số lượng mà tốc độ tái tạo tế bào của chúng cũng chậm hơn nhiều so với tế bào gốc ở chuột bình thường. Tuy nhiên, sau khi được tiêm tế bào gốc, những con chuột progeria sẽ sống được lâu hơn ba lần so với khi không được tiêm, từ trung bình 21-28 ngày tuổi lên hơn 66 ngày. Kích cỡ của chúng cũng lớn gần bằng những con chuột khỏe mạnh, bên trong não và cơ xuất hiện thêm nhiều mạch máu mới.
Tiến sĩ Laura Niedernhofer tin rằng, đó là vì tế bào gốc khỏe mạnh đã giúp sửa lại những điểm bất thường bên trong tế bào của chuột lão hóa. Não và cơ bắp của chuột có sự cải thiện đáng kể về chức năng, dù cho nhóm nghiên cứu không hề tìm thấy tế bào gốc tại những cơ quan này. “Trên thực tế, tế bào gốc không hề nhập cư vào một mô hay cơ quan cụ thể nào sau mũi tiêm”, bà Niedernhofer cho biết. “Sự thật này khiến chúng tôi tin rằng, những tế bào khỏe sẽ thiết lập nên một môi trường mới bên trong cơ thể, giúp khắc phục những lỗi bất thường hoặc rối loạn ở tế bào gốc của vật chủ”.