Trí tuệ nhân tạo giúp mở khóa bí mật thời cổ đại
Một nghiên cứu mới cho thấy, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp các nhà sử học viết lại lịch sử - theo nghĩa đen, bằng cách tái hiện các dòng chữ Hy Lạp cổ đại bị mất trong các bản khắc cổ...
Đi sâu vào quá khứ
Các nhà nghiên cứu cho biết, hệ thống AI mới mà họ phát triển không chỉ đọc chính xác các dòng chữ Hy Lạp cổ đại, mà còn điền vào các khoảng trống bị mất chữ do các bản khắc hư hỏng, thậm chí còn xác định chúng về mặt thời gian và địa điểm.
Những bản khắc xưa tồn tại dưới dạng hư hỏng và rời rạc.
Giải thích về tầm quan trọng của các chữ khắc đối với các nhà sử học, Tiến sĩ Thea Sommerschield, đồng tác giả cuộc nghiên cứu do Đại học Ca’ Foscari University, Venice; Đại học Harvard và Công ty trí tuệ nhân tạo DeepMind khởi xướng, nói rằng, chúng là bằng chứng cho thấy con người vào thời đó đã trực tiếp viết văn bản thể hiện tư tưởng, ngôn ngữ, xã hội và lịch sử của các nền văn minh cổ đại.
Tuy nhiên, hầu hết các bản khắc còn sót lại bị hư hại qua nhiều thế kỷ nên không đọc được trọn vẹn, hoặc cùng văn bản lại nằm rải rác. Điều này cũng không có gì lạ, khi các bản khắc thường bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu bởi các nhà cai trị và những triều đại sau này.
Do các phương pháp thông thường như xác định niên đại bằng carbon phóng xạ không có tác dụng đối với đá, các nhà sử học không thể thu thập thông tin đầy đủ từ các bản khắc bị hư hỏng như vậy. Vì vậy, cần có các phương án khác giúp hiểu đầy đủ các văn bản cổ.
Được đặt theo tên hòn đảo quê hương của vua Odysseus ở Hy Lạp, Ithaca hiện đại là một dạng trí tuệ nhân tạo, cấu trúc mạng thần kinh sâu do Công ty trí tuệ nhân tạo DeepMind của Google phát triển. Nó hỗ trợ các chuyên gia về văn bản khắc lấp những khoảng trống quan trọng trong các văn bản có từ thời Homer.
“Cũng giống như kính hiển vi và kính thiên văn đã mở rộng phạm vi về những gì các nhà khoa học có thể làm ngày nay, Ithaca nhằm mục đích tăng cường và phát triển khả năng nghiên cứu một trong những giai đoạn quan trọng nhất của lịch sử nhân loại”, Tiến sĩ Yannis Assael, đồng tác giả của công trình, cho biết.
Nhóm nghiên cứu tin rằng, Ithaca có thể có hiệu quả với hầu hết các ngôn ngữ cổ, từ tiếng Latin, tiếng Maya đến chữ hình nêm. Hơn nữa, nó còn có khả năng đọc các văn bản văn học Hy Lạp viết trên giấy cói, mở ra triển vọng tiếp cận và tìm hiểu các tác giả cổ tốt hơn, vì hầu hết các tác phẩm của họ chỉ tồn tại ở dạng rời rạc.
Nó thậm chí có thể được phát triển để xác định quyền tác giả của các văn bản thông qua phân tích ngôn ngữ.
Các nhà nghiên cứu cho biết, Ithaca đã mở khóa một số bí mật của người xưa. Khi được áp dụng cho một tập hợp các sắc lệnh được phục hồi từ Acropolis ở Athens, nó bất ngờ phát hiện một trong những tài liệu khác với những tài liệu còn lại.
Những văn bản này, liên quan đến việc thu thập các cống phẩm trên khắp đế chế Athens, được cho là có niên đại từ năm 448 - 7 trước Công nguyên. Tuy nhiên, Ithaca đã kết luận, một văn bản thực sự ra đời sớm hơn 30 năm so với các nghiên cứu trước .
“Có thể đây là một khác biệt không đáng kể, nhưng sự thay đổi 30 năm này có những tác động không nhỏ đối với sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử chính trị của Athens cổ điển và giúp chúng ta sắp xếp tốt hơn các nguồn văn học, tài liệu chữ khắc.
Chúng tôi hy vọng các mô hình như Ithaca có thể mở ra tiềm năng hợp tác giữa AI và khoa học nhân văn trong nghiên cứu một số giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại”, Tiến sĩ Thea Sommerschield cho biết.
Ithaca giúp điền vào chỗ trống các văn bản bị mất chữ.
Có thay thế nhà sử học?
Đến nay, theo các báo cáo, Ithaca cho thấy tỷ lệ thành công 62% trong việc khôi phục các văn bản bị hư hỏng và 71% trong việc xác định vị trí ban đầu cùng niên đại chính xác của chúng. Trong khi đó, các nhà sử học làm việc mà không có sự trợ giúp của Ithaca chỉ thành công 25% trong các lĩnh vực như vậy.
Mặc dù hào hứng với những khả năng mà AI mở ra, các học giả cũng cảnh báo về sự thận trọng cần thiết trong việc sử dụng công nghệ mới này để diễn giải quá khứ.
Giáo sư Peter Liddel, một chuyên gia về lịch sử và biểu tượng Hy Lạp tại Đại học Manchester thừa nhận, AI chắc chắn sẽ bổ sung vào hộp công cụ của các nhà sử học, giúp hiểu kỹ hơn các quá trình, cũng như sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc hoặc bản chất của hoạt động thờ cúng. Tuy nhiên, giống như các học giả, AI cũng chỉ có giá trị với những tài liệu cổ xưa có sẵn.
Giáo sư Peter Liddel cho biết: “AI chỉ mạnh mẽ như một công cụ giúp chúng ta đặt câu hỏi và so sánh với các bằng chứng hiện có. Những gì mà nó tạo ra sẽ không đầy đủ và kém tin cậy, nếu các kết luận được rút ra độc lập với kiến thức của con người”.
Giáo sư Melissa Terras, một chuyên gia về di sản văn hóa kỹ thuật số tại Đại học Edinburgh, cũng thận trọng khi phát biểu về việc sử dụng AI. Bà cho biết, điều quan trọng là phải tiếp tục đào tạo các nhà sử học theo các phương pháp truyền thống để giải thích các kết quả do phần mềm tạo ra.
Mặc dù vậy, bà thừa nhận AI có khả năng vô cùng lớn, qua định dạng cấu trúc của các văn bản cổ đại chỉ tồn tại trong các mảnh vỡ.
- Công nghệ AI giúp dựng lại chân dung gần như tạc chỉ từ giọng nói
- AI đánh bại 8 nhà vô địch thế giới cùng lúc
- “Giải mã” hòn đảo chết chóc nhất Trái đất, không ai dám bén mảng