Trí tuệ nhân tạo giúp Trung Quốc định vị được mỏ đất hiếm trải dài hơn 1.000km

Hệ thống trí tuệ nhân tạo do nhóm nhà khoa học Trung Quốc phát triển có thể giúp xác định vị trí mỏ đất hiếm tiềm năng khổng lồ trên dãy Himalaya.

Các nhà địa chất Trung Quốc phát hiện trữ lượng đất hiếm tiềm năng khổng lồ ở dãy Himalaya, có thể củng cố vị thế nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Dải khoáng sản này được cho là dài hơn 1.000km, nhưng việc xác định vị trí ở một khu vực xa xôi, rộng lớn như vậy có thể mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, SCMP hôm 21/6 đưa tin.


Xác định vị trí và khai thác khoáng sản ở dãy Himalaya là một thách thức lớn. (Ảnh: AFP)

Một giải pháp khả thi là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Từ năm 2020, nhóm nhà khoa học từ Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc đã phát triển hệ thống AI có thể tự động xử lý gần như mọi dữ liệu thô do vệ tinh và các phương tiện khác thu thập để xác định vị trí mỏ đất hiếm trên cao nguyên Tây Tạng.

"Kim loại đất hiếm không thể thay thế trong những ngành công nghiệp như vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ quốc phòng và quân sự, công nghệ thông tin, trở thành nguồn tài nguyên mang tính chiến lược quan trọng trong cạnh tranh toàn cầu", giáo sư Zuo Renguang viết trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Earth Science Frontiers tuần trước.

AI sẽ tìm kiếm một dạng đá granite độc đáo có tông màu sáng hơn bình thường. Nó có thể chứa các loại đất hiếm như niobium và tantalum, thường dùng cho các sản phẩm công nghệ cao, đồng thời cũng chứa một lượng đáng kể lithium, thành phần trọng yếu giúp sản xuất xe điện.

Các nhà địa chất Trung Quốc đã tìm thấy đá granite như vậy ở nhiều nơi thuộc dãy Himalaya, kể cả xung quanh đỉnh Everest, nhưng từng cho rằng chúng không chứa bất kỳ vật liệu nào khai thác được. Đến khoảng 10 năm trước, họ tình cờ phát hiện đất hiếm và lithium hiện diện trong một số mẫu đá thu thập gần đó.

Trung Quốc hiện có một cơ sở sản xuất đất hiếm lớn ở Nội Mông và các cơ sở khác nằm xa hơn về phía nam, thuộc các tỉnh như Quảng Đông, Giang Tây, Tứ Xuyên. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng trữ lượng đất hiếm ở dãy Himalaya có thể bằng, thậm chí lớn hơn những nơi này, giúp Trung Quốc khẳng định vị thế trên thế giới.

Trung Quốc từng giữ vị trí đứng đầu vượt trội với khoảng 43% trữ lượng đất hiếm toàn cầu trong thập niên 1980 và 1990, nhưng con số này giảm xuống còn khoảng 36,7% vào năm 2021. Trong khi đó, tài nguyên đất hiếm bên ngoài Trung Quốc tăng đáng kể, từ 40 triệu tấn lên 98 triệu tấn.

Hơn hai năm trước, khi nhóm của Zuo bắt đầu phát triển AI, hệ thống được đào tạo bằng một bộ dữ liệu hạn chế, ví dụ như ảnh vệ tinh, để xác định đá granite sáng màu. Ban đầu, AI chỉ có tỷ lệ chính xác khoảng 60%, nhưng nhóm nghiên cứu dần dần mở rộng kiến thức cho hệ thống bằng cách tăng độ chính xác của các thuật toán.

Những bộ dữ liệu bổ sung mà nhóm cung cấp cho AI gồm dữ liệu liên quan đến thành phần hóa học của đá và khoáng chất, từ tính, dữ liệu quang phổ do máy bay thu thập và bản đồ địa chất của cao nguyên Tây Tạng. Họ nhận thấy hệ thống AI có khả năng tự phát triển nhanh chóng, đạt được tỷ lệ chính xác hơn 90% trong vòng vài tháng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất