Trồng cây Jatropha không phải dễ ăn

Cây Jatropha đang gây một cơn sốt trên thế giới. Cơn sốt Jatropha đang lan vào Việt Nam. Nhiều tỉnh đã xem đây là loại cây “xoá đói giảm nghèo” và tận dụng đất hoang hoá. Nhưng tại Ấn Độ, có tin nói rằng những điều đó là không đúng sự thực. 


Theo tờ Deccan Herald, sau 3 năm trồng tại nhiều đồn điền ở Ấn Độ, cây Jatropha đã được chứng thực là nó không "lý tưởng" như những lời tuyên bố rùm beng của những người ủng hộ trồng loại cây này. Xin giới thiệu bài viết trên tờ Deccan Herald như một phản biện.

Khi các nhà khoa học và các nhà vạch chính sách trên toàn thế giới thảo luận về biện pháp giải quyết hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu, nhiên liệu sinh học là một trong những giải pháp chính trong chương trình của họ. Ấn Độ là một trong những nước đã đưa vào kế hoạch và khởi động việc trồng cây Jatropha như một nhiên liệu sinh học chủ yếu. Chattisgarh, Rasthan và Orissa đã thành lập những đồn điền trồng Jatropha.

Khi giới thiệu loại cây này, những người đề xướng đã tuyên bố rằng đây là một “cây thần kỳ” có thể mọc trên đất hoang mà không cần xây dựng hệ thống thuỷ lợi, không cần cả phân bón. Nó cũng không hề bị sâu bệnh.

Tuy nhiên, những đồn điền trồng Jatropha đã chứng tỏ rằng những lời tuyên bố đó không đúng sự thực. Năng suất rất tệ hại, ở những vùng khô hạn chỉ đạt nửa kilogam trong khi ở những vùng được tưới tiêu là 3 kilogam. Giống như các loại cây trồng khác, nó phải bón phân mới đạt được hiệu suất cao hơn.

 


Cây bị sâu bọ tấn công cũng như nó trở thành một “ổ dịch” cho sâu bọ sống trên đó như các loại cây trồng khác. Nó không chịu được bệnh do vi khuẩn.

Rõ ràng là, để kiềm chế sâu bọ và vi khuẩn phải phun các thuốc trừ dịch hại để bảo vệ cây mới có được năng suất cao. Việc kiểm tra thực tế đã chứng minh rằng loại “cây thần kỳ” này chỉ trồng thành công khi cung cấp cho nó những hoá chất thích hợp và có tưới tiêu. Điều này làm tăng chi phí trồng trọt.

Vần đề then chốt là năng suất và lợi nhuận đã làm vỡ tung huyền thoại về cây Jatropha. Rất có thể giá thành của một lít nhiên liệu sinh học này lên tới 150 rupi (theo thời giá, tương đương 3 đôla). Như vậy, nó sẽ đắt hơn giá của diesel quy ước hoặc dầu mỏ.

Các đồn điền trồng Jatropha ở Chattisgarh còn gặp rắc rối về y tế. Trẻ con và những người nông dân bị ảnh hưởng bất lợi sau khi tiếp xúc với cây. Nhiều người công nhân đồn điền đã phải đi bệnh viện. Vì hạt Jatropha cũng ngon nên trẻ con thường lấy ăn và gặp những vấn đề về sức khoẻ. Hạt đó có chứa axit cyanhydrric, rất độc đối với người. Trong dầu và những bộ phận khác của cây còn chứa cả những chất gây ung thư. Khi trồng cây Jatropha gần nguồn nước, người ta nhận thấy nó ảnh hưởng tới cả hệ sinh thái thuỷ sinh, đặc biệt tác động xấu đến quần thể cá.

Chattisgarh vốn nổi tiếng về sự đa dạng thực vật. Thế nhưng do chính sách trồng tràn lan cây Jatropha, tính đa dạng sinh học đang bị đe doạ bởi sự xâm lấn loài. Cây này hiện đang được trồng ở rừng Sal, đó là “quê hương” của nhiều loài cây và côn trùng cung cấp lương thực và thực phẩm cho những bộ lạc dân sống trong khu rừng này. Điều đáng ngạc nhiên là cây còn được trồng ở Khu bảo tồn động vật hoang dã Baranawapara.

 


Tại Rajastan, cây Jatropha được trồng trên những bãi chăn thả Gochar và Orans. Điều này gây bất lợi cho quần thể đại gia súc vì chúng bị tước đoạt mất nguồn thức ăn, để chúng có thể sống. Ông Lingaraj và Tarani Sahu ở làng Ghumer, quận Bolangir tại Orissa đã mất hết ruộng đất của mình vào tay một công ty tư nhân, đã từng hứa đưa tiền cho họ để trồng cây Jatropha.

Một công trình nghiên cứu do Tổ chức phi chính phủ Vasundharra đã nhận xét rằng: “Khung chính sách xúc tiến việc phát triển cây Jatropha thông qua NREGS (Đề án quốc gia bảo đảm việc làm cho nông thôn), Chương trình Đường phân thuỷ và các đề án khác thành lập các đồn điền trông cây nhiên liệu sinh học đều đang gây những bất lợi cho cuộc sống của người nông dân. Nó đang tiếp tục khẳng định rằng “trên danh nghĩa thực hiện mục tiêu Nhà nước về việc tự túc năng lượng, xúc tiến chương trình nhiên liệu sinh học do Chính phủ đề ra đang làm tổn thương tới nông dân và dẫn tới một cuộc khủng hoảng mang tính quốc gia, gây ra sự mất an ninh lương thực, do mất tính đa dạng sinh học nông nghiệp và suy thoái môi trường”.

Tương tự như vậy, việc trồng cây Jatropha tại Rajasthan ảnh hưởng tới 10,56 triệu hecta cái gọi là “đất hoang”, mà 41% đàn gia súc phụ thuộc vào nguồn thức ăn (cây cỏ) trên mảnh đất này. Việc trồng đó còn có tác động xấu đến những người dân sống nhờ vào nghề chăn nuôi gia súc. Nhiều công ty đa quốc gia là người đóng vai trò chính đằng sau phong trào thành lập những đồn điền trồng cây Jatropha trong nước.

Mặc dù năng lượng sinh học đã được tuyên bố là một giải pháp để ngăn ngừa sự thay đổi khí hậu, nhưng trong tình hình hiện nay, nó đang đẩy mạnh cuộc khủng hoảng phá hoại ngành chăn nuôi và làm mất tính đa dạng sinh học. Đây là thời điểm bức xúc để các nhà lập kế hoạch và các chính phủ các bang nên ngừng ngay việc quảng bá cho những giải pháp mạo nhận là để chống sự thay đổi khí hậu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất