Trong tương lai con người sẽ có khả năng phun nọc độc như rắn?
Theo một nghiên cứu khoa học mới nhất công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ), con người có thể tiến hóa đến một thời điểm nào đó trong tương lai xa để nước bọt của chúng ta có thể có nọc độc, tương tự như nọc độc của loài rắn.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Okinawa (Nhật Bản) đã tìm kiếm các gene của con người có thể tương tác với nọc độc ở rắn Pit Viper (cụ thể là loài rắn Taiwan habu - danh pháp khoa học: Trimeresurus mucrosquamatus).
Họ phát hiện ra rằng nền tảng di truyền cần thiết để phát triển nọc độc ở miệng có ở cả loài bò sát và động vật có vú, cho thấy con người có thể tiến hóa để khạc nọc độc.
Nghiên cứu cũng cung cấp bằng chứng cụ thể đầu tiên về mối liên hệ phân tử cơ bản giữa tuyến nọc độc ở rắn và tuyến nước bọt ở động vật có vú.
Loài rắn Taiwan habu - (Ảnh: OIST/Stenve Aird).
Agneesh Barua, tác giả nghiên cứu cho biết: "Nọc độc là một hỗn hợp protein mà động vật đã vũ khí hóa để giết chết con mồi, cũng như để tự vệ. Điều thú vị về nọc độc là nó đã phát sinh ở rất nhiều loài động vật khác nhau như sứa, nhện, bọ cạp, rắn, và thậm chí một số động vật có vú.
Mặc dù những loài động vật này đã tiến hóa theo nhiều cách khác nhau để cung cấp nọc độc, nhưng hệ thống miệng - nơi nọc độc được tiêm qua vết cắn - là một trong những hệ thống phổ biến nhất".
Trước đây, các nhà khoa học đã tập trung vào các gene mã hóa các protein tạo nên hỗn hợp độc hại, nhưng nghiên cứu mới đã xem xét các gene khác nhau tương tác như thế nào.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được khoảng 3.000 gene "hợp tác" này và phát hiện ra rằng chúng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tế bào khỏi căng thẳng do sản xuất nhiều protein.
Các gene này cũng là yếu tố then chốt trong việc điều chỉnh quá trình biến đổi và gấp protein. Khi protein được tạo ra, các chuỗi dài của axit amin phải xếp lại với nhau theo một cách cụ thể. Các protein bị gấp khúc cũng có thể tích tụ và làm hỏng các tế bào.
Cũng giống như một lần gấp sai khi gấp giấy origami, một bước sai khiến protein không thể giả định được hình dạng cần thiết để nó hoạt động bình thường.
Vết tích cổ xưa
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét bộ gene của các sinh vật khác trên khắp vương quốc động vật, bao gồm cả động vật có vú như chó, tinh tinh và con người, và nhận thấy rằng chúng chứa các phiên bản gene này của riêng mình.
Khi nhóm nghiên cứu xem xét các mô tuyến nước bọt của động vật có vú, họ phát hiện ra rằng các gene này có mô hình hoạt động tương tự như mô hình hoạt động của các tuyến nọc độc của rắn.
Hình ảnh về chuột chù - sinh vật được cho là sẽ có độc sau vài nghìn năm tiến hóa. (Ảnh: Internet).
Do đó, các nhà khoa học cho rằng tuyến nước bọt ở động vật có vú và tuyến nọc độc ở rắn có chung một lõi chức năng cổ xưa đã được duy trì kể từ khi hai dòng họ chia tách hàng trăm triệu năm trước.
Barua nói: "Nhiều nhà khoa học tin rằng điều này là đúng, nhưng đây là bằng chứng thực sự vững chắc đầu tiên cho giả thuyết rằng các tuyến nọc độc phát triển từ các tuyến nước bọt ban đầu. Và trong khi loài rắn kết hợp nhiều chất độc khác nhau vào nọc độc của chúng và làm tăng số lượng gene liên quan đến việc sản xuất nọc độc, thì các loài động vật có vú như chuột chù lại tạo ra nọc độc đơn giản hơn, có độ tương đồng cao với nước bọt".
Nếu trong một số điều kiện sinh thái nhất định, những con chuột tạo ra nhiều protein độc hơn trong nước bọt của chúng, thì trong vài nghìn năm nữa, chúng ta có thể gặp phải những con chuột có nọc độc.
Và mặc dù rất khó xảy ra, nhưng nếu các điều kiện sinh thái phù hợp từng tồn tại, con người cũng có thể trở thành loài người có nọc độc.
- Thành phố cổ đại Pompeii đã bị hủy diệt chỉ trong 17 phút
- Những vùng nước chỉ đứng cạnh cũng có thể chết người
- Phát triển tim nhân tạo có thể thay thế tim thật