Trung Quốc công bố Sách Trắng về ngành vũ trụ 2016

Sách Trắng nêu rõ Chính phủ Trung Quốc coi ngành công nghiệp không gian vũ trụ là một phần quan trọng của chiến lược phát triển toàn diện của quốc gia.

Theo phóng viên tại Bắc Kinh, ngày 27/12, Văn phòng Báo chí Chính phủ Trung Quốc đã công bố Sách Trắng về ngành vũ trụ Trung Quốc năm 2016.

Với tiêu đề "Các hoạt động không gian vũ trụ của Trung Quốc trong năm 2016", Sách Trắng nhắc lại tôn chỉ cơ bản của Trung Quốc trong việc thám hiểm, phát triển và tận dụng không gian vũ trụ, tổng kết sự phát triển của ngành vũ trụ Trung Quốc 5 năm lại đây, đề ra nhiệm vụ, chính sách và biện pháp phát triển ngành vũ trụ nước này trong 5 năm tới. Sách Trắng nêu rõ Chính phủ Trung Quốc coi ngành công nghiệp không gian vũ trụ là một phần quan trọng của chiến lược phát triển toàn diện của quốc gia.

Theo Sách Trắng, kể từ năm 2011 đến nay, ngành vũ trụ của Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh chóng, các dự án lớn liên quan lĩnh vực này như phát triển tàu vũ trụ không người lái, thám hiểm Mặt Trăng được triển khai thuận lợi, các lĩnh vực như khoa học không gian, công nghệ không gian, tận dụng không gian đều đạt được thành tựu phát triển.


Tên lửa đẩy Trường Chinh-5 rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam ngày 3/11. (Ảnh:THX/TTXVN).

Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường công suất cơ bản của ngành công nghiệp không gian vũ trụ, đẩy mạnh nghiên cứu các công nghệ then chốt và hàng đầu. Trung Quốc đã thông báo kế hoạch phóng tàu thăm dò Sao Hỏa đầu tiên trước năm 2020 để nắm bắt những công nghệ chủ chốt về hoạt động thám hiểm "di chuyển quanh quỹ đạo, hạ cánh và lưu động". Dự kiến, Trung Quốc sẽ tiến hành nghiên cứu sâu hơn, cũng như nghiên cứu các công nghệ then chốt nhằm đưa các mẫu phẩm từ Sao Hỏa về Trái Đất, thám hiểm tiểu hành tinh, Sao Mộc và bay thám hiểm trên hành tinh.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có kế hoạch tiến hành thăm dò Mặt Trăng bằng tàu vũ trụ Thường Nga - 4 (Chang'e-4) vào khoảng năm 2018 nhằm đạt mục tiêu lần đầu tiên đưa người đổ bộ lên phía xa của Mặt Trăng. Trung Quốc có kế hoạch thành lập mạng lưới Bắc Đẩu gồm 35 vệ tinh phục vụ hoạt động định vị toàn cầu trước năm 2020.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hệ thống dữ liệu cơ bản về mảnh vỡ ngoài vũ trụ và mô hình chia sẻ dữ liệu, tăng cường phương tiện theo dõi mảnh vỡ ngoài không gian, hệ thống cảnh báo sớm và ứng phó khẩn cấp, hệ thống dịch vụ trực tuyến thông qua tăng cường tận dụng các nguồn lực. Các hệ thống bảo vệ tàu vũ trụ cũng sẽ được gia cố. Các nỗ lực này nhằm mục đích cải thiện hệ thống theo dõi môi trường không gian và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và dự báo thảm họa.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất