Trung Quốc đánh sập 19 tòa nhà trong 10 giây: Thứ khiến tất cả đổ sập lại không phải là thuốc nổ
Nửa đêm ngày 21/1/2017, tại thành phố Hán Khẩu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, 19 tòa nhà cao tầng đã bị đánh sập theo hiệu ứng domino. Đây là một trong những dự án đánh sập nhà cao tầng lớn nhất ở Trung Quốc từ trước tới nay.
19 tòa nhà hóa tro bụi trong chớp mắt
Sau 10 giây, các tòa nhà này chỉ còn là đống tro bụi. Toàn bộ quá trình đánh sập diễn ra trên diện tích 15 hecta. Những đám mây bụi và khói lan ra khắp không trung.
Theo ông Wang Xuguang, một chuyên gia ở Trung Quốc cho biết, dự án này đã sử dụng kỹ thuật đánh sập bằng thuốc nổ, thay cho phương pháp tháo dỡ truyền thống. 5 tấn thuốc nổ đã được đặt ở 120.000 điểm trong khu vực các tòa nhà.
Jia Yongsheng, giám đốc đội thi công cho biết, họ đã kiểm soát nghiêm ngặt tác động từ vụ nổ để nó gây ảnh hưởng tới đường sắt và các cơ sở công cộng xung quanh.
Trung Quốc phá hủy 19 tòa nhà trong 10 giây. (Nguồn: CGTN).
Thuốc nổ chỉ đóng vai trò như chất xúc tác
Theo trang tin How Stuff Work, ý tưởng của việc đánh sập bằng thuốc nổ khá đơn giản: Nếu ta dỡ bỏ kết cấu đỡ của tòa nhà ở một điểm nhất định, tạm gọi là điểm A, thì phần tòa nhà phía trên điểm A sẽ đổ xuống phần tòa nhà bên dưới điểm A.
Nếu phần trên đủ nặng, nó sẽ va chạm vào phần dưới với một lực đủ mạnh để đánh sập tòa nhà. Thuốc nổ chỉ đóng vai trò như chất xúc tác trong quá trình phá hủy. Thứ khiến tòa nhà sập xuống là lực hấp dẫn.
Thuốc nổ được đặt ở một số tầng khác nhau của tòa nhà để cấu trúc tòa nhà tự đổ sập xuống tại nhiều điểm. Khi mọi thứ được lên kế hoạch và thực hiện chính xác, tổng thiệt hại do chất nổ và vật liệu xây dựng rơi xuống sẽ đủ để làm sập hoàn toàn cấu trúc. Những gì còn lại là một đống gạch vụn.
Thuốc nổ chỉ đóng vai trò như chất xúc tác trong quá trình phá hủy.
Để phá hủy tòa nhà một cách an toàn, đội thi công phải vạch ra từng yếu tố liên quan tới vụ nổ trước khi thực hiện. Bước đầu là kiểm tra các bản thiết kế kiến trúc của các tòa nhà để xác định cách chúng được kết hợp với nhau. Tiếp theo là tham quan tòa nhà, ghi lại các chi tiết cần lưu ý về cấu trúc hỗ trợ trên mỗi tầng.
Khi đã thu thập được tất cả dữ liệu cần thiết, đội thi công sẽ quyết định sử dụng chất nổ nào, đặt chúng ở đâu trong tòa nhà và tính toán thời gian cho các vụ nổ. Trong một số trường hợp, đội thi công có thể dựng mô hình 3D trên máy tính để kiểm tra trước kết quả kích nổ trong thế giới ảo.
Thách thức chính trong kỹ thuật này là kiểm soát hướng các tòa nhà đổ xuống. Lý tưởng nhất là đội thi công có thể khiến tòa nhà lật sang bên có không gian trống.
Kích nổ một tòa nhà cũng giống như chặt một cái cây. Để lật đổ tòa nhà về phía bắc, người ta sẽ kích nổ các điểm ở phía bắc của tòa nhà trước.
Đội thi công cũng có thể cố định dây cáp bằng thép để hỗ trợ các cột trong tòa nhà, khiến chúng được kéo theo một hướng nhất định khi vỡ vụn.
Người ta có thể phải mất tới nửa năm để khảo sát cấu trúc tòa nhà và chuẩn bị cho vụ nổ.
Theo hãng tin BBC News, kỹ thuật kích nổ để các tòa nhà cao tầng tự sụp xuống đòi hỏi được thực hiện bằng những chuyên gia có kỹ thuật cực cao và phải trải qua quá trình chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng.
Người ta có thể phải mất tới nửa năm để khảo sát cấu trúc tòa nhà và chuẩn bị cho vụ nổ. Tuy nhiên, ở những khu vực mật độ đông dân cư thì kỹ thuật đánh sập bằng thuốc nổ nhìn chung không được phép thực hiện.
Ở một số nơi, các tòa nhà gần trung tâm thành phố có xu hướng được tháo dỡ thủ công từ tầng cao nhất tòa nhà xuống dần.
Ngoài ra, vào năm 2008, một công ty của Nhật đã thực hiện kỹ thuật "Cắt và Hạ xuống". Bằng cách bắt đầu từ phía dưới, đội thi công sẽ rút ruột một tầng, sau đó hạ toàn bộ tòa nhà xuống bằng kích, từng tầng một, tất cả công việc có thể được thực hiện an toàn trên mặt đất.
- Công nghệ phá dỡ cao ốc "đỉnh" của Nhật không tiếng ồn, không khói bụi
- Du thuyền tầm hoạt động 6.000km có thể lặn dưới nước
- Tàu vũ trụ Lucy ghi lại những hình ảnh đầu tiên về các tiểu hành tinh Trojan