Trung Quốc đứng đầu thế giới về năng lượng sạch

Từ quốc gia xả nhiều khí nhà kính nhất, Trung Quốc đang tiên phong trong việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, dự kiến cao hơn cả Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật cộng lại.

Lượng khí thải mà Trung Quốc tạo ra có nguy cơ đạt đỉnh vào năm 2030, tuy nhiên theo báo cáo của Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Grantham và Đại học Kinh tế và Khoa học chính trị London, dữ liệu trong năm 2014 và ba quý đầu năm 2015 cho thấy sự thay đổi trong bức tranh kinh tế và năng lượng của nước này.

Nguyên nhân là sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc vốn tiêu thụ năng lượng khổng lồ và phát thải lượng khí nhà kính kỷ lục đang chậm lại.

Mô hình kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây, giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, chú trọng đầu tư vào xây dựng và những ngành công nghiệp liên quan như thép, xi măng, để mở rộng cơ sở hạ tầng. Những ngành này tiêu thụ nhiều năng lượng, trong khi ở Trung Quốc, nguồn năng lượng chủ yếu lấy từ than đá, loại nguyên liệu phát thải khí nhà kính cực lớn.


Một cánh đồng phong năng của công ty sản xuất năng lượng gió Goldwind, Trung Quốc. (Ảnh: Goldwind).

Hiện nay, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc đang chậm lại, nhu cầu sử dụng thép và xi măng giảm. Nước này cũng đang tăng cường đầu tư vào thuỷ điện, năng lượng nguyên tử, gió và năng lượng Mặt Trời.

Theo báo cáo của Grantham, cuối năm 2014, năng lượng tái tạo chiếm 11% tổng tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc. Mức sử dụng than đá không tăng trong năm 2014 và giảm vào năm 2015.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự gia tăng trong sản xuất năng lượng tái tạo ở Trung Quốc dự kiến cao hơn cả Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật cộng lại.

Không chỉ riêng Trung Quốc, tại Mỹ, Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc gia cho biết, trong năm tới, công suất điện Mặt Trời ở nước này sẽ lớn hơn tổng công suất điện từ khí tự nhiên, gió và dầu mỏ.

Trung Quốc và Mỹ đang là hai nước xả nhiều khí thải nhất. Thoả thuận giữa hai nước năm 2014 về việc giảm phát thải khí nhà kính đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Hai nước này cam kết sẽ giảm thiểu khí thải trong vòng 10-15 năm, và sẽ tiếp tục nỗ lực cắt giảm trong tương lai. Đây là cơ sở để các nước khác tham gia vào Thoả thuận chung Paris sắp được ký kết tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York trong tháng này. Nếu trên 55 nước tham gia ký kết, tương ứng với tối thiểu 55% tổng lượng phát thải khí nhà kính, thoả thuận sẽ có hiệu lực.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất