Trung Quốc hoàn tất triển khai hệ thống định vị toàn cầu

Ngày 23/6, Trung Quốc đã hoàn tất việc triển khai Hệ thống Định vị Bắc Đẩu (BDS) sau khi vệ tinh sau cùng của hệ thống được phóng vào quỹ đạo trong sáng cùng ngày.


Tên lửa đẩy Trường Chinh 3B mang theo vệ tinh cuối cùng của Hệ thống định vị Bắc Đẩu (BDS) rời bệ phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 23/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Tân Hoa Xã, vệ tinh cuối cùng trong BDS đã được phóng đi từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương vào lúc 9h43 sáng 23/6 (giờ địa phương). Đây là vệ tinh thứ 55 trong "gia đình" Bắc Đẩu được đưa vào quỹ đạo thành công nhờ tên lửa đẩy Trường Chinh 3B (Long March -3B).

Việc Trung Quốc hoàn tất BDS đánh dấu bước tiến lớn của nước này trong cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực tiềm năng này, bên cạnh đối thủ của Mỹ.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống định vị toàn cầu của riêng mình vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, với mục đích hỗ trợ điều khiển ô tô, tàu thuyền đánh cá, xe quân sự sử dụng các dữ liệu bản đồ từ chính hệ thống định vị vệ tinh của mình. Ngày nay, hàng triệu thuê bao điện thoại di động đang sử dụng hệ thống này để tìm kiếm các địa điểm cần đến, chỉ dẫn hướng đi của taxi, hay đường bay của tên lửa và máy bay không người lái.

BDS, tổ hợp của 30 vệ tinh, bắt đầu được sử dụng cung cấp dịch vụ dữ liệu bản đồ từ năm 2012, song chỉ ở phạm vi châu Á-Thái Bình Dương. Từ năm 2018, BDS bắt đầu cung cấp dịch vụ phạm vi toàn cầu. Hiện có khoảng 120 nước, trong đó có Pakistan và Thái Lan sử dụng dịch vụ của BDS để giám sát giao thông đường thủy, chỉ dẫn hoạt động cứu hộ trong các thảm họa thiên tai và các dịch vụ khác.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất